Sau nhiều lần lỡ hẹn, tôi mới được gặp thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Phương Thảo, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Sơn La). Trò chuyện với bác sỹ Thảo, tôi thêm hiểu về công việc của những người đảm nhiệm trọng trách “trị bệnh cứu người”, nhất là với các bệnh nhi - người bệnh chưa biết hợp tác với thầy thuốc trong điều trị.
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Phương Thảo, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) triển khai nhiệm vụ công tác.
Nhanh nhẹn, thân thiện, dễ gần, là những cảm nhận đầu tiên của tôi về bác sỹ Thảo. Tuy mới gặp lần đầu, nhưng chị khá cởi mở khi nói về công việc của bản thân và các đồng nghiệp trong Khoa. Chị tâm sự: Công việc của người thầy thuốc vốn đã khó, vì trăm người trăm bệnh, mỗi bệnh có phác đồ điều trị khác nhau, việc chữa trị cho các bệnh nhi còn khó khăn hơn nhiều, do các cháu còn quá bé chưa biết nói, biểu hiện duy nhất là khóc. Vì vậy, việc đưa ra phác đồ điều trị phụ thuộc rất nhiều vào trình độ chuyên môn, khả năng tiên lượng bệnh và kinh nghiệm thực tế của từng bác sỹ. Mỗi lần chữa trị khỏi cho 1 bệnh nhi trọng bệnh, chúng tôi vui mừng và hạnh phúc như người nhà bệnh nhân.
Sinh năm 1974, trong gia đình có truyền thống nghề y, bố mẹ và anh trai đều là thầy thuốc, vì vậy ngay từ khi học THPT, chị Thảo đã nuôi ước mơ trở thành bác sỹ. Ước mơ trở thành hiện thực, năm 1992, chị thi đỗ vào Trường Đại học Y Thái Nguyên. 6 năm trên giảng đường đại học là thời gian giúp chị trau dồi, tích lũy những kiến thức của ngành y, đó là nền tảng quan trọng để khi tốt nghiệp áp dụng vào thực tế chữa trị cho người bệnh. Sau 4 năm nhận công tác tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, năm 2004, chị Thảo tiếp tục theo học thạc sỹ nhi khoa tại Trường Đại học Y Hà Nội. Tốt nghiệp, bác sỹ Thảo trở về Khoa Nhi tiếp tục chữa trị cho các bệnh nhi.
Câu chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng, vì các đồng nghiệp của chị Thảo đến xin ý kiến về phương pháp điều trị, sử dụng thuốc, ký các giấy tờ chuyển khoa, chuyển viện và nhiều người nhà bệnh nhi đến xin được tư vấn cách chăm sóc con trẻ sau xuất viện… Cũng chính thời gian này, tôi đã gặp chị Lường Thị Mai, bản Sòng, xã Yên Hưng (huyện Sông Mã), chị vừa sinh đôi 2 bé gái. Đẻ non tháng, cả 2 cháu bị suy hô hấp, sau 10 ngày điều trị tại Khoa, 2 bé được xuất viện. Chị Mai nói: Nhờ các bác sỹ trong khoa tận tình điều trị cho 2 con tôi, nên các cháu đã khỏi bệnh, nhất là bác sỹ Thảo, dù bận việc, nhưng ngày nào, bác sỹ cũng đến buồng bệnh kiểm tra khả năng phục hồi của 2 bé.
Niềm tin yêu của người nhà bệnh nhi luôn là động lực để bác sỹ Thảo nỗ lực nhiều hơn trong công việc. Năm 2010, chị được bổ nhiệm Phó trưởng Khoa Nhi, 3 năm sau được bổ nhiệm Trưởng Khoa. Trong vai trò của người đứng mũi chịu sào, chịu trách nhiệm trước Ban Giám đốc Bệnh viện về các hoạt động chuyên môn của Khoa, bác sỹ Thảo đã quy tụ được tập thể đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế trong Khoa đoàn kết, nỗ lực hết mình chữa trị cho bệnh nhi, nhiều ca bệnh hiểm nghèo đã được cứu chữa, hạn chế rất nhiều bệnh nhân phải chuyển tuyến. Đặc biệt, đội ngũ thầy thuốc của Khoa đã triển khai nhiều kỹ thuật y học tiên tiến tại đơn nguyên sinh, mà trước đây chỉ có bệnh viện tuyến Trung ương mới điều trị được. Đó là: Thở máy CPAP điều trị trẻ sơ sinh non tháng; chiếu đèn vàng da cho các bệnh nhân vàng da tăng bilirubin tự do; thở máy xâm nhập... Do vậy đã cứu sống được nhiều bệnh nhân sơ sinh non tháng, nhẹ cân, suy hô hấp nặng.
Nói về nghề, bác sĩ Thảo chia sẻ thêm: Để chữa trị cho bệnh nhân hiệu quả, việc trước tiên là cần chẩn đoán bệnh chính xác để đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất, muốn vậy, người thầy thuốc chỉ có sự tận tâm thôi chưa đủ, mà cần phải thường xuyên cập nhật kiến thức y học tiên tiến để áp dụng vào thực tế chữa trị cho bệnh nhân. Đây cũng là điều dễ nhận thấy ở bác sỹ Thảo trong suốt những năm qua, bởi ngoài việc tận tâm cứu chữa người bệnh, chị còn cùng với đồng nghiệp tích cực nghiên cứu đề tài khoa học để áp dụng vào thực tế chữa trị cho bệnh nhi. Nhiều đề tài khoa học của chị và đồng nghiệp được Hội đồng Khoa học Sở Y tế đánh giá đạt loại xuất sắc, hiện đang được áp dụng trong công tác chữa trị cho bệnh nhân tại Khoa, như: Đề tài “Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và các yếu tố ảnh hưởng đến thở máy xâm nhập ở trẻ em”; “Đánh giá kết quả điều trị surfactan cho trẻ sơ sinh non tháng tại Khoa Nhi Bệnh viện tỉnh Sơn La”; “Đánh giá sự hiểu biết và thái độ thực hành chăm sóc của các bà mẹ có con đẻ non tháng điều trị tại Khoa Nhi”... Nhờ vậy, Khoa Nhi đã giành lại sự sống cho những bệnh nhi non tháng cân nặng chỉ có 900 gr.
Dù thời gian trò chuyện không nhiều, nhưng tôi lại được cùng bác sỹ Thảo và các đồng nghiệp của chị đến một số buồng bệnh trong Khoa để theo dõi diễn biến tình hình bệnh của các bệnh nhi đang điều trị trong lồng kính. Được chứng kiến chị ân cần thăm hỏi người nhà bệnh nhi, hướng dẫn họ cách chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng sau khi xuất viện; cách chị tận tình “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn các đồng nghiệp, giúp họ tích lũy thêm kinh nghiệm chẩn đoán và phác đồ điều trị cho người bệnh. Bác sỹ Thảo chia sẻ: Các bác sỹ trẻ mới ra trường thường “nặng” về lý thuyết mà ít có kinh nghiệm thực tế, vì vậy tôi đã phân công các đồng nghiệp tăng cường tiếp xúc nhiều hơn với bệnh nhân, nhất là những ca bệnh nặng, bệnh khó. Cùng với đó, hằng ngày tổ chức giao ban lồng ghép công tác chuyên môn, thảo luận, bàn bạc, đánh giá tình hình sức khỏe của từng bệnh nhân nặng để điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp với diễn biến bệnh của bệnh nhân.
Tìm hiểu về Khoa Nhi, chúng tôi được biết, cả khoa có 20 cán bộ trong biên chế, trong đó 8 bác sỹ (2 thạc sỹ, 3 bác sỹ chuyên khoa I, 3 bác sỹ đa khoa) và 12 điều dưỡng. Số lượng đội ngũ thầy thuốc không nhiều, nhưng số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, với nhiều loại bệnh phức tạp, trung bình một năm Khoa điều trị nội trú và ngoại trú cho trên 4.000 lượt bệnh nhi. Khoa Nhi liên tục trong nhiều năm được công nhận Tập thể Lao động xuất sắc, song thành tích lớn hơn chính là những người nhà bệnh nhân tin yêu, tín nhiệm; trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của Trưởng khoa Nguyễn Thị Phương Thảo.
Ghi nhận những thành tích đạt được, thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Phương Thảo đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đây là động lực để chị tiếp tục yêu nghề, tận tụy với nghề, với những bệnh nhi, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều gia đình bệnh nhân, xứng đáng với lời Bác dạy: “... cán bộ phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn, “Lương y phải như từ mẫu””
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!