Vẫn trong tiết thu, trong hào khí của cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, tỉnh Sơn La vinh dự được tổ chức Lễ dâng hương tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn, tưởng nhớ đến Người và tổ chức Lễ tiếp nhận cá giống từ Ao cá Bác Hồ tại Khu di tích về thả tại ao cá Bác Hồ thành phố Sơn La.
Ao cá Bác Hồ được cải tạo, chỉnh trang và có hình dáng cách điệu cánh hoa ban, đặc trưng cho vùng Tây Bắc.
Ngày 7/9, tại Ao cá Bác Hồ mới được cải tạo, tu bổ nằm trong quần thể của Quảng trường và tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Lễ đón nhận và thả cá thiêng liêng, trang trọng, được nhân dân các dân tộc Sơn La hồ hởi đón nhận bên Tháp giếng nước minh chứng lịch sử - nơi các chiến sĩ cách mạng bị tù đầy hàng ngày phải xe nước từ đây lên nhà ngục trên đồi Khau cả; cái cũ, cái mới đan xen, chúng tôi tìm hiểu trang sử dấu tích Tháp giếng nước bên Ao cá Bác Hồ ngày ấy.
Đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội
và lãnh đạo tỉnh Sơn La thả cá tại Ao cá Bác Hồ
Tháp giếng nước bên Ao cá Bác Hồ
Chị Vương Ngọc Oanh, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Sơn La, người giành nhiều thời gian nghiên cứu về lịch sử Sơn La kể về chiếc Tháp giếng nước bên bờ Ao cá Bác Hồ gắn liền với Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà tù Sơn La với nhiều chi tiết mà có lẽ nhiều người chưa biết: Sau khi nghiên cứu kỹ khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình của tỉnh thấy không nơi nào có nhiệt độ ôn hòa và có vị trí đắc địa như đồi Khau Cả, viên Công sứ tỉnh Vạn Bú đề nghị chính quyền Bảo hộ cho phép chuyển tỉnh lỵ về Khau Cả. Ngày 7/4/1904, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuyển trụ sở hành chính của tỉnh từ Pá Giạng - tổng Hiếu Trai (Nay là Thị trấn Ít Ong, thuộc huyện Mường La ngày nay) đến đồi Khau Cả, thuộc Chiềng Lề, đồng thời đổi tên tỉnh Vạn Bú thành tỉnh Sơn La.
Két nước từ thời Pháp xây dựng còn lưu giữ lại trong Bảo tàng tỉnh.
Trải qua 40 năm (từ 1904 đến 1945), người Pháp đã xây dựng nơi đây thành trung tâm chính trị - kinh tế của tỉnh. Lúc đầu, toàn bộ trung tâm hành chính ở đồi Khau Cả dùng nước sinh hoạt do phu và dân “cuông” (người dân có nghĩa vụ đi làm không công cho chức dịch) khiêng từ suối Nậm La lên đổ vào những két nước trên đỉnh đồi (Trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh hiện nay vẫn còn lưu giữ một chiếc). Nhưng đến mùa mưa lũ, nước đục, rác lẫn bùn đất không đảm bảo vệ sinh nên người Pháp mới tìm nguồn, phát hiện nguồn nước và cho đào chiếc giếng ở phía đông nam chân đồi Khau Cả.
Tháp giếng nước bên Ao cá Bác Hồ hiện nay.
Giếng nước có đường kính hơn 1 mét, sâu khoảng chục mét, được xây bằng gạch nung bao quanh, có 4 trụ dựng lên thành tháp cao khoảng gần chục mét. Nước giếng trong vắt quanh năm.
Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908 với diện tích ban đầu là 500 m². Nhà tù xây dựng khá kiên cố: tường được xây dựng bằng đá lẫn gạch, mái lợp tôn, không có trần. Năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo nhân dân vùng lên đấu tranh chống lại chế độ tàn bạo của thực dân phong kiến. Phong trào đấu tranh đã làm kẻ địch tìm đủ mọi cách đàn áp, bắt bớ những người Việt Nam yêu nước hòng dập tắt phong trào cách mạng. Mặt khác, chúng tăng cường xây dựng và mở rộng thêm hệ thống nhà tù trong cả nước, trong đó chúng đặc biệt chú ý đến nhà tù Sơn La. Từ năm 1930-1945 thực dân Pháp đã đày lên Nhà ngục Sơn La 14 đoàn tù chính trị, trong đó có nhiều đồng chí sau này là cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Đồng thời chúng cũng đã tiếp tục xây dựng và mở rộng hệ thống trại giam để giam cầm các chiến sỹ cách mạng. Thực dân Pháp đã biến nơi đây thành địa ngục trần gian để giam cầm, đầy ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người Cộng sản. Bằng chế độ tù đày cực kỳ hà khắc, kẻ thù tưởng sẽ tiêu diệt được tinh thần và thể xác của những chiến sĩ cách mạng, nhưng chính tại nơi đây đã trở thành một trường học cách mạng, rèn luyện ý chí và nghị lực cho những người yêu nước và bổ sung cho Đảng, cho cách mạng những chiến sỹ, đảng viên cộng sản trung kiên. Hàng ngày, chúng bắt tù nhân phải đi lao động khổ sai, làm các công việc nặng nhọc: Đánh đá, làm gạch, nung vôi, lấy củi, làm đường, chở nước... Từ đỉnh đồi họ phải xuống giếng nước phía dưới chân đồi Khau Cả để xe nước lên phục vụ cho sinh hoạt của Tòa sứ, Trại lính, Nhà thương, Nhà ngục... Do ăn uống kham khổ và khí hậu khắc nghiệt, ở chật chội lại không đảm bảo vệ sinh nên anh em tù nhân ốm đau, bệnh tật, gầy yếu, vì vậy việc xe nước lên dốc với quy định một ngày hai tù nhân phải xe nước 7 chuyến là một cực hình.
Chiếc Xe cải tiến được tù nhân dùng để chở nước – hiện nay đang được lưu giữ
tại Khu Di tích Nhà tù Sơn La.
Nhưng những chiến sĩ cộng sản vẫn lạc quan, tin tưởng vào cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc nhất định thắng lợi. Các tù chính trị ngày đó về sau nhiều đồng chí giữ cương vị cao trong Đảng, như các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng (tức đồng chí Sao Đỏ) Phó Chủ tịch nước; Trường Chinh, Tổng Bí thư; Lê Duẩn, Tổng Bi thư; Xuân Thủy, Ban Bí thư - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội... đã từng bị quản ngục chia thành từng kíp đánh đá, đốt gạch, xe nước từ giếng nước này lên nhà ngục. Chống lại chế độ đọa đày hà khắc, những người tù đã kiên quyết đấu tranh, đưa ra các yêu sách buộc cai ngục phải giải quyết, đồng thời luôn lạc quan, tin tưởng vào ngày mai thắng lợi. Tổng Bí thư Trường Chinh đã từng bị tù ở Ngục Sơn La có bài thơ “Đi xe nước”:
Ngày ngày xe nước được rong chơi
Mỏi cánh chồn chân ta vẫn vui
Việc nước nặng nề ai gánh vác?
Đầy vơi trách nhiệm ở hai người.
Bị tàn phá bởi chiến tranh khiến các tòa nhà dưới thời Pháp thuộc mất dấu tích, chỉ còn lại phần móng của nhà tù, khu Nhà thương (trụ sở tiếp dân tỉnh ngày nay) và Tháp giếng nước là còn tương đối nguyên vẹn. Với dự án xây dựng trung tâm hành chính tỉnh gắn với quảng trường và tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, mặt bằng đồi Khau Cả sẽ được giao lại cho Bảo tàng Sơn La quản lý, đây là bước khởi đầu trong việc khôi phục lại cảnh quan xưa trên đồi Khau Cả, nhằm bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ khu di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia, đưa nơi này trở thành điểm thăm quan, du lịch văn hóa - lịch sử đầy ý nghĩa.
“Ao cá Bác Hồ"- Một phong trào lớn
Theo các tài liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Đầu năm 1969, lãnh đạo các tỉnh miền Trung ra Trung ương họp và báo cáo tình hình đời sống của nhân dân gặp khó khăn vì thu nhập chính là nghề cá thì bị địch phong tỏa bờ biển, cá giống không đủ để nuôi. Biết chuyện đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất việc chuyển cá giống từ ao cá ở Phủ Chủ tịch về địa phương đó để giúp dân cải thiện đời sống. Ngày 19/5/1970 đại diện tỉnh Quảng Bình đã đến Văn phòng Phủ Chủ tịch để nhận 1.200 con cá rô phi giống trong ao cá Bác Hồ. Đoàn xe chở cá đã vượt 500km liên tục trong 3 ngày vào đến địa phương... Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo sáng kiến của Bộ Thủy sản, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã nhất trí phát động phong trào làm “Ao cá Bác Hồ”. Sau cuộc phát động, nhiều hợp tác xã đã đầu tư hàng vạn ngày công để cải tạo những ao tù, đồng hoang thành khu “Ruộng cả, ao liền”, phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ” được phát triển rầm rộ trong cả nước, cá giống từ ao cá trong khu Phủ Chủ tịch được gửi cho nhiều địa phương như: Thái Bình, Hải Hưng, Thanh Hóa, Hà Nội...
Tại Sơn La, ngày 08/01/1979 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ra Quyết định số 06-QĐ/UB phát động phong trào thi đua xây dựng “Ao cá Bác Hồ” trong toàn tỉnh. Đây là cuộc vận động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong việc giáo dục tư tưởng, phẩm chất đạo đức đối với cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc, đồng thời góp phần cung cấp thực phẩm cải thiện đời sống nhân dân. Từ đây, phong trào được đồng loạt nhân dân, xã viên các hợp tác xã hưởng ứng mạnh mẽ và triển khai đồng loạt trong toàn tỉnh, trong đó có Ao cá Bác Hồ của HTX hợp nhất toàn xã Chiềng Cơi (Thị xã Sơn La).
Tìm lại nhân chứng từng tham gia phong trào này, chúng tôi được ông Hà Văn Hòa, Trưởng bản Giảng Lắc, ông có đến gần 30 năm làm Trưởng bản. Thả dòng suy nghĩ về hồi ức xa xăm, ông kể lại: Trước đây, dòng suối Nậm La chạy uốn lượn giữa cánh đồng, sát vào Tháp giếng nước di tích lịch sử, sau chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhiều hố bom đã làm đổi dòng chảy của suối và nơi này cùng với Hồ Sanh bây giờ lỗ chỗ hố bom, trở thành đầm sình lầy, trồng lúa rất khó. Vì thế, trước năm 1977, HTX Giảng Lắc đã bỏ công vét đầm, lấp hố bom đào thành ao nhỏ khoảng 300 m² để thả cá. Đến năm 1979, lúc đó chúng tôi là đoàn viên, thanh niên sinh hoạt tại Chi đoàn Giảng Lắc, là xã viên của Hợp tác xã hợp nhất toàn xã Chiềng Cơi, được phát động phong trào đào Ao cá Bác Hồ, khí thế hừng hực ra quân nhiều ngày mở rộng ao cũ lên 1,8 hecta... Chị Quàng Thị Inh, Nguyên Bí thư Chi bộ bản Giảng Lắc, nhà ở đường Hoàng Quốc Việt, Thành phố kể lại tường tận: Thời đó, thiếu cán bộ cơ sở, tôi vừa làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Chiềng Cơi, kiêm Bí thư Chi đoàn Giảng Lắc, Phó Bí thư Đoàn xã và là Ủy viên Ban Chấp hành Thị đoàn. Trước đó, năm 1977 theo phong trào chung, thành lập Hợp tác xã hợp nhất toàn xã Chiềng Cơi gồm 16 bản, bố chồng tôi là ông Lò Văn Muôn làm Chủ nhiệm đầu tiên. Năm 1979, thực hiện phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ”, để huy động được đông đảo lực lượng tham gia đào ao, không chỉ thanh niên, đoàn viên của 16 bản trong HTX hợp nhất toàn xã Chiềng Cơi mà huy động cả Thị đoàn, các cán bộ viên chức, lực lượng vũ trang cùng về lao động mở rộng ao, cứ đến chủ nhật là khí thế ra quân hừng hực, cắm cờ, biểu ngữ cổ động, thanh niên hăng hái thi đua, vừa làm vừa hát, vui lắm! Ao cá làm xong được cắm biển gỗ, tô chữ đỏ trang trọng: “Ao cá Bác Hồ” thả chủ yếu là giống cá trắm, chép, mè, HTX còn áp dụng kỹ thuật nuôi cá theo cách mới, nạo vét ao định kì, rắc vôi bột vệ sinh ao, cung cấp đầy đủ, đúng loại thức ăn cho cá thay bằng cách nuôi thả mà không cho thức ăn trước đây... Từ khởi đầu ở đây, phong trào tận dụng mặt nước, đào ao, nuôi cá đã phát triển rộng khắp trong toàn xã. Nhận thức của người dân trong nuôi trồng thủy sản có sự thay đổi rõ rệt, nhiều ao cá đã đạt năng suất trên 5 tấn cá/ha. Đến năm 1984, giải thể HTX hợp nhất toàn xã Chiềng Cơi, Ao cá Bác Hồ được giao lại cho HTX Giảng Lắc quản lý.
Lần tìm lại các tư liệu cũ, theo Báo Sơn La số 1082 ra ngày 06.6.1980 đưa tin: Sáng ngày 19/5/1980, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh Bác Hồ, tại Trung tâm giống cá “Ao cá Bác Hồ” của tỉnh (khu hồ Tuổi trẻ ở bản Bó Cá hiện nay - PV), đồng chí Đặng Duyệt, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã chuyển trao đợt 1 cho 14 đơn vị với 69 vạn con cá giống. Các đơn vị nhận được cá giống, trong đó có HTX hợp nhất toàn xã Chiềng Cơi bày tỏ quyết tâm thúc đẩy phong trào nuôi cá rộng rãi trong nhân dân, thiết thực cải thiện cho đời sống của đồng bào...
Đến hôm nay, Ao cá Bác Hồ vẫn giữ đúng tên gọi. Tọa lạc ở vị trí “đắc địa”ngay trung tâm Thành phố và nằm dọc theo Quốc lộ 6, “Ao cá Bác Hồ” vẫn được chính quyền địa phương cùng người dân nơi đây gìn giữ, dù nhu cầu mặt bằng phục vụ cho việc xây dựng nhà ở đang ngày càng tăng cao. Được chủ trương của Tỉnh về cải tạo, chỉnh trang Ao cá Bác Hồ gắn liền với quần thể Quảng trường, Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc và trụ sở hành chính của tỉnh đang được xây dựng. Hiện nay ao có hình dáng cách điệu cánh hoa ban, đặc trưng cho vùng Tây Bắc, với diện tích mặt nước 13.552 m²; có đường dạo quanh ao rộng 3 m, sân tưởng niệm, vỉa hè, khuôn viên trồng cây xanh, thảm cỏ, đài phun nước và hệ thống chiếu sáng hiện đại... và Tháp giếng nước lịch sử bên bờ ao vẫn được giữ nguyên. Cái cũ, cái mới đan xen, Ao cá Bác Hồ trở thành không gian văn hóa - lưu giữ những ký ức, tình cảm cộng đồng của ngày hôm qua và cả hôm nay. Cái tên thân thương “Ao cá Bác Hồ” sẽ mãi mãi sâu đậm trong ký ức của bao thế hệ sinh ra và lớn lên từ vùng đất giàu truyền thống cách mạng này.
Lê Hải Nam
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!