Không xòe thì hoa không nở

Không chỉ được biết đến với những rừng ban trắng, hoa mận, hoa đào đua nhau khoe sắc khi tiết trời vào xuân, Tây Bắc còn níu chân bao du khách bởi những điệu xòe trong men say rượu cần. Bao đời nay, đồng bào dân tộc Thái đen huyện Yên Châu luôn tạo cho mình một cuộc sống thanh bình, tay trong tay cùng những nhịp xòe để ăn mừng mỗi dịp tết đến xuân về, mừng mùa màng bội thu, mừng nhà mới, đón dâu, đón khách... Xòe không đơn thuần là bài hát, điệu múa, xòe còn là ngôn ngữ để giãi bày tâm tư tình cảm của mọi người. Trước đây, đồng bào dân tộc Thái Yên Châu gọi múa xòe là “xe”, người xòe gọi là “xao xe” (gái xòe) và truyền nhau câu hát: “Không xòe thì hoa không nở/ Không xòe thì người không vui”.

Điệu xòe Yên Châu khác với mọi nơi, là xòe phải có trống, chiêng, khèn bè. Theo quan niệm của người xưa, trống, chiêng, khèn bè gắn liền với mẹ đất, mẹ nước, mẹ cây và mẹ đẻ, nơi mình sinh ra và lớn lên. Do sống giữa thiên nhiên hùng vĩ, với sự cần cù, tinh thần sáng tạo chinh phục thiên nhiên, mỗi khi hoàn thành công việc trọng đại, bà con dân tộc Thái lại nắm tay nhau quanh đống lửa nhảy múa ăn mừng. Điệu xòe hình thành và phát triển từ đó.

Để hiểu thêm về xòe, chúng tôi tìm gặp ông Lò Văn Sinh, tiểu khu 2, thị trấn Yên Châu - một “bảo tàng sống” về văn hóa Thái ở huyện Yên Châu. Ông Sinh kể: Xòe xưa gồm nhịp, điệu, múa gắn với trống chiêng; nhịp khèn bè phải đúng với nhịp trống chiêng. Xòe có 3 nhịp, gồm: Xe “Ột ửa” thể hiện sự thư giãn, khoan thai, nhẹ nhàng, tình tứ; xe “Lửa phăn” là nhịp vừa phải, không chậm, không nhanh, nhưng đằm thắm, hay diễn ra vào các dịp lễ tết, nhà mới, đám cưới, khách quý đến nhà; xe “Xăn phốt” là nhịp nhanh, khỏe khoắn và vui vẻ. Điệu xòe xưa gồm có 6 điệu là: Xe “Chắp ba”, “Chắp mư”, “Lửa tin”, “Pỉn khén”, “Tốp mư” và “Xen ba”. Tất cả những điệu xòe này đều mô phỏng bước đi của cha ông khi khai phá đất đai trồng lúa, lấy nước, tung khăn, mời rượu... Tất cả đều diễn tả sinh động và tinh tế về cuộc sống, thể hiện những ước mơ, khát vọng. Bởi vậy, mỗi dịp lễ, tết hay trong ngày vui của dòng họ, gia đình, của bản, khi nhà đón khách quý..., vòng xòe thường được tổ chức như để đón mừng.

Huyện Yên Châu có tới 20 điệu xòe, nhưng tựu chung đều được bắt nguồn, cải biến từ 6 điệu xòe cổ chính. Sức hấp dẫn của múa xòe chính là sự sôi nổi, gần gũi mà đậm tình như hơi thở của cuộc sống. Vẻ đẹp của các điệu xòe được kết hợp của động tác chân, tay hài hòa, mạnh mẽ; uyển chuyển, mềm mại. Hơn nữa, xòe thu hút tất cả cộng đồng, không phân biệt giai tầng xã hội, già hay trẻ, người lạ, hay quen, ai đến với điệu xòe đều nắm tay nhau thân thiện, cởi mở, nối rộng vòng xòe đón chào khách thập phương.

Ông Lừ Văn Bánh, nghệ nhân thổi khèn bè múa xòe, trống chiêng bản Nà Và, xã Viêng Lán, tâm sự: Từ ngày nhỏ, tôi đã học đánh trống chiêng, thổi khèn bè và dần nó đã trở thành niềm đam mê. Bây giờ mặc dù tuổi đã cao, nhưng cứ mỗi dịp bản có lễ hội, vui đón xuân mới, tôi cũng như bà con trong bản vẫn nhiệt tình tham gia đánh trống chiêng, thổi khèn bè cho mọi người cùng vui múa xòe, quên hết vất vả, mệt nhọc.

Với nhiệt huyết của mình, nhiều nghệ nhân luôn tìm cách gìn giữ các điệu xòe cổ, vốn là cái hồn của người Thái. Chung niềm đam mê và mong muốn văn hóa Thái cổ không bị mai một, hơn 60 thành viên ở các xã, thị trấn của huyện Yên Châu đã thành lập Câu lạc bộ văn hóa Thái cổ để truyền dạy cho con cháu những nét đẹp của văn hóa Thái; trong đó, chú trọng dạy các cử chỉ, động tác múa xòe xưa. Bà Lò Thị Xuân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, nói: Khi các học viên tham gia lớp học do Câu lạc bộ tổ chức, mọi người được biết 6 điệu xòe cổ. Mặc dù khó hơn, nhưng các học viên đã quen với nhịp, bước cơ bản. Tôi mong muốn sau này, tất cả những người con dân tộc Thái trong huyện sẽ được truyền dạy và hiểu hết được các điệu xòe xa xưa của dân tộc mình để biểu diễn trong các chương trình văn nghệ, dịp lễ, tết ở địa phương.

Ngoài biểu diễn trong đời sống sinh hoạt cộng đồng, huyện Yên Châu đã quan tâm khuyến khích phát triển loại hình nghệ thuật xòe Thái thông qua việc tổ chức các chương trình quy mô lớn, thu hút đông đảo người dân và du khách cùng tham gia, như: Lễ hội múa xòe trống chiêng “Mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới” và các lễ hội khác gắn với quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của huyện; duy trì hoạt động của 280 đội văn nghệ quần chúng, 9 câu lạc bộ văn hóa Thái, qua đó đã góp phần lưu giữ hồn cốt của các điệu xòe, đồng thời giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc trưng của người Thái Yên Châu.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới