Những sai lầm cần tránh khi điều trị đau mắt đỏ
Từ đầu tháng 8 đến nay, số lượng trẻ mắc bệnh viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) đang có chiều hướng gia tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trung bình mỗi ngày Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 50-60 trẻ đau mắt đỏ đến khám và điều trị. Trong đó có 10-20% trường hợp gặp biến chứng nặng như: viêm giác mạc, có giả mạc cần bóc, bị trợt giác mạc (trầy xước giác mạc).
Hiện nay, trẻ em đã quay trở lại trường học nên việc giao lưu, tiếp xúc với bạn bè nhiều hơn, do đó nguy lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ càng cao khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo lắng.
Tuy nhiên, có nhiều xử trí sai lầm của bố mẹ khiến con có thể đối diện với tình trạng mắt bị đau nặng hơn, có thể làm giảm thị lực của trẻ.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Anh, Phó Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, khi con đau mắt đỏ, cha mẹ không nên nhỏ sữa hoặc dùng lá trầu không.
Theo chuyên gia này, khi kết mạc bị viêm, sữa là môi trường cho vi khuẩn phát triển. Do đó, việc cha mẹ nhỏ sữa làm tình trạng viêm kết mạc của trẻ diễn biến nặng lên.
Trong khi đó, lá trầu không có chứa tinh dầu, khi xông phải dùng hơi nóng để tinh dầu trầu không bay hơi. Khi kết mạc bị viêm, giác mạc đang bị thương, hơi nóng của tinh dầu trầu không có thể làm cho giác mạc, kết mạc bị viêm nặng nề hơn.
“Chúng tôi từng tiếp nhận bệnh nhân đến khám dùng lá trầu không bị bỏng cả giác mạc, kết mạc. Như vậy, lá trầu không làm nặng lên tình trạng viêm giác mạc, có thể làm sẹo đục giác mạc vĩnh viễn, có thể làm mất thị lực của trẻ”, bác sĩ Quỳnh Anh khuyến cáo.
Viêm kết mạc cấp 80% do virus, do vậy không có phương pháp điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng và phát hiện sớm biến chứng để điều trị, tránh biến chứng giảm hoặc mất thị lực của trẻ.
Phòng, chống trẻ lây nhiễm đau mắt tại trường học
Nhiều trẻ đến lớp bị đau mắt đỏ. Với trẻ ở môi trường trường học chưa kiểm soát biện pháp phòng lây nhiễm cho bản thân, lây truyền cho cộng đồng nên cho trẻ viêm kết mạc và tình trạng bệnh lý lây nhiễm ở nhà trong giai đoạn trẻ mắc bệnh.
Với trẻ bị đau mắt đỏ, có thể phát hiện từ dấu hiệu đầu tiên: chảy nước mắt, mắt đỏ, mi mắt nề, thấy đau, mỏi mắt. Đây là giai đoạn trẻ bị lây bệnh đau mắt đỏ. Tình trạng lây nhiễm này kéo dài suốt trong giai đoạn trẻ còn triệu chứng đau mắt đỏ.
Trẻ em đang trong quá trình hình thành thị giác, nên khi viêm kết mạc, cha mẹ cần hạn chế tối đa cho trẻ xem tivi, dùng điện thoại.
Về nguy cơ bị lây nhiễm lại, con có thể mắc lại bệnh viêm kết mạc do các nguyên nhân khác gây nên tình trạng bệnh này. Với căn nguyên virus, vi khuẩn mắc đợt này chỉ có thời gian miễn dịch nhất định, trẻ có thể bị lại viêm kết mạc do các nguyên nhân khác hoặc tái nhiễm.
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Cương, Phó Trưởng ban Truyền thông, Bệnh viện Mắt Trung ương cho hay, khả năng lây mạnh nhất của người đau mắt đỏ là khi có các triệu chứng toàn phát, thời điểm mắc ngày thứ 5-7. 3 ngày trong giai đoạn ủ bệnh và 3 ngày sau khỏi vẫn có khả năng lây, do đó tổng thời gian mất 2 khoảng tuần.
"Thời gian này trẻ em nên nghỉ học, vì đến lớp rất dễ lây nhiễm cho các bạn. Mỹ và châu Âu thường cho trẻ nghỉ 1 tuần với các ca đau mắt đỏ", bác sĩ Cương cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, giai đoạn trẻ bị đau mắt không nên đi bơi vì bệnh phẩm sẽ lẫn trong nước bể bơi. Hóa chất khử khuẩn nước bể bơi có thể không đủ nồng độ để diệt virus. Các điểm công cộng như: siêu thị, rạp phim dễ lây, vì có thể do tiếp xúc gần, khoảng cách gần (từ 1 mét) đã có thể bị lây nhiễm virus gây đau mắt đỏ, vì virus có trong nước bọt.
Bác sĩ Cương nhấn mạnh, miễn dịch với virus đau mắt đỏ trong 2 tháng, do đó, một người có thể mắc lại bệnh sau 2 tháng, có khi bị 2 lần viêm kết mạc cấp trong 1 vụ dịch.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!