Tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đến vùng khó khăn

Nâng cao chất lượng sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, giảm thiểu tai biến sản khoa, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn luôn được ngành y tế Sơn La quan tâm. Nhiều giải pháp, giúp phụ nữ vùng dân tộc thiểu số được tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đã và đang triển khai tích cực.

Giọng nữ

Thực trạng tại các xã vùng cao, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn của tỉnh ta vẫn còn tình trạng sinh con tại nhà; các sản phụ và gia đình chưa quan tâm quản lý thai kỳ, thực hiện các xét nghiệm để tầm soát và đánh giá dị tật thai nhi; chưa sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) hiện đại… Dẫn đến những rủi ro như tai biến sản khoa, tử vong sản phụ, tử vong sơ sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 cao. Năm 2023, toàn tỉnh có 10 trường hợp tử vong mẹ sau sinh và trong quá trình mang thai; 34 trường hợp tai biến sản khoa. 

Chị Quàng Thị Quý, Phó trưởng Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Nguyên nhân là do một bộ phận chị em còn e ngại khi cán bộ y tế đến thực hiện các gói dịch vụ chăm sóc SKSS. Tại một số vùng, giao thông đi lại khó khăn, bản cách xa cơ sở y tế; việc cung cấp dịch vụ y tế chăm sóc SKSS-KHHGĐ tại các trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh truyền thông trực tiếp cho nhân dân về chăm sóc SKSS. 
Tuyên truyền các bà mẹ chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh. 

Từ năm 2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Vụ sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) và Ban quản lý Dự án “Tăng cường tiếp cận công bằng tới thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục toàn diện cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương” (gọi tắt là VNM10P03) tổ chức thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ Dự án. 

Theo đó, hai đơn vị đã khảo sát tỷ lệ sinh đẻ tại nhà, tỷ lệ phụ nữ mang thai đi khám thai tại các xã trên địa bàn tỉnh. Từ đó, lựa chọn 12 xã của 5 huyện: Mộc Châu, Vân hồ, Sông Mã, Phù Yên và Bắc Yên để triển khai các hoạt động. Đồng thời, tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã và y tế bản. Tổ chức truyền thông nhóm cho người có tầm ảnh hưởng tại các bản và truyền thông nhóm cho phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai, chồng, bố mẹ đẻ và hoặc bố mẹ chồng. Tổ chức các chiến dịch truyền thông tích hợp cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS và KHHGĐ cho bà con tại 12 xã đã chọn.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh siêu âm sàng lọc cho phụ nữ mang thai.

Tại 3 xã Đứa Mòn, Chiềng En, Mường Cai của huyện Sông Mã, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện và trạm y tế các xã thực hiện truyền thông kết hợp cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ cho 390 phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tại mỗi xã, đoàn chuẩn bị đầy đủ các thiết bị y tế hỗ trợ, như máy siêu âm, đo huyết áp, vật tư y tế cần thiết… Khu vực tuyên truyền được lắp đặt ti vi, treo áp phích truyền thông để bà con tìm hiểu.

Chị Lò Thị Phóng, bản Đứa Mòn, xã Đứa Mòn, cho biết: Tôi mang thai được 5 tháng, nhưng hôm nay mới là lần thứ 2 tôi đi khám thai. Tôi được các y, bác sĩ siêu âm, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe trong quá trình mang thai và thực hiện quản lý theo dõi thai kỳ tại trạm y tế xã. Qua đó, giúp tôi biết cách chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh. Khi đến ngày sinh, tôi sẽ đến cơ sở y tế để sinh con an toàn.

Phụ nữ xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã tìm hiểu cách chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh. 

Bác sĩ CKI Thiều Đức Vinh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Qua siêu âm cho phụ nữ tại các xã vùng cao, biên giới, chúng tôi đã phát hiện nhiều trường hợp thai tràn dịch ổ bụng, sỏi thận… Từ đó, hướng dẫn các trường hợp chuyển bệnh viện tuyến huyện để được thăm khám chuyên sâu và có phác đồ điều trị, xử lý kịp thời.

Hai xã Chiềng Xuân và Suối Bàng của huyện Vân Hồ được chọn triển khai các hoạt động của dự án. Ông Lường Duy Phú, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, thông tin: Trung tâm đã cử 4 cán bộ y tế của Trung tâm và của trạm y tế xã, cùng 6 trưởng bản hoặc nhân viên y tế bản tham gia Đoàn công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tuyên truyền, cung cấp dịch vụ, giúp bà con được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS và KHHGĐ tại cơ sở.

Phát tờ rơi truyền thông sức khỏe cho phụ nữ. 

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức 32 buổi truyền thông cho 2.240 lượt người là phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai, chồng, bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ. Truyền thông trực tiếp kết hợp thăm khám, phát hiện các vấn đề liên quan đến thai kỳ, các nhiễm khuẩn đường sinh sản và cung cấp các dịch vụ về chăm sóc SKSS, KHHGĐ cho 1.990 người tại 12 xã thuộc dự án. Trong đó, siêu âm cho 1.950 người; khám phụ khoa cho 1.362 người; chuyển tuyến 128 trường hợp; phát hàng nghìn các phương tiện tránh thai hiện đại.

Bác sĩ CKI Đoàn Thanh Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Việc tổ chức các chiến dịch truyền thông kết hợp lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đã nâng cao nhận thức của bà con về bảo vệ sức khỏe phụ nữ, nhất là phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Qua đó, làm thay đổi hành vi của nhân dân về việc không sinh đẻ tại nhà mà đến sinh đẻ tại cơ sở y tế, đảm bảo an toàn cho mẹ và trẻ, hạn chế tối đa tử vong sản phụ và trẻ sơ sinh.

Theo kế hoạch, Dự án VNM10P03 sẽ được triển khai trong 3 năm (2024-2026). Các hoạt động của Dự án đã giúp bà con vùng sâu, vùng cao, biên giới được tiếp cận công bằng tới thông tin và dịch vụ SKSS, sức khỏe tình dục, góp phần làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Hỗ trợ bà con các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới được tiếp cận với các dịch vụ y tế, đạt được những kết quả tích cực. Năm 2023, toàn tỉnh có 66,3% phụ nữ mang thai được khám thai từ 4 lần/chu kỳ thai trở lên; 86,4% số phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế và 92,4% số phụ nữ sinh con được cán bộ y tế đỡ. 
Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới