Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, là điều kiện để dịch bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, nhất là người cao tuổi và trẻ nhỏ, nhất là bệnh: sốt xuất huyết, tay -chân- miệng, sởi, các bệnh lây theo đường hô hấp, tiêu hóa; dịch Covid-19 quay trở lại... Do đó, ngành Y tế tỉnh chú trọng công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh mùa hè, không để bệnh lây lan thành dịch.
Tại Bệnh viện đa khoa Cuộc sống, Thành phố, mỗi ngày tiếp nhận khám 40-45 bệnh nhi mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản, cúm); truyền nhiễm (sốt xuất huyết; tay- chân- miệng; sốt virus; thủy đậu, sởi), trong đó, nhập viện điều trị từ 10-13 bệnh nhân.
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Phương Thảo, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Cuộc sống, cho biết: Nguyên nhân khiến nhiều trẻ nhập viện trong những ngày gần đây là do thời tiết nắng nóng thất thường, vi khuẩn phát triển mạnh, trong khi sức đề kháng của trẻ bị giảm. Trẻ em bị thiếu nước, tiêu tốn nhiều năng lượng do bài tiết mồ hôi, điều hòa thân nhiệt, dễ bị cảm cúm, sốt, các bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa. Phụ huynh cần chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ; cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt, trong thời gian trẻ mắc bệnh phải bổ sung thêm chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Cần tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch; hạn chế cho trẻ đến chỗ đông người.
Trên địa bàn huyện Thuận Châu, kể từ đầu mùa hè đã có 133 ca cúm, 23 ca tiêu chảy; 5 ca thủy đậu... Nguyên nhân chính là ý thức của nhân dân trong việc giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và thói quen ăn uống chưa đúng cách.
Ông Quàng Văn Châu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thuận Châu, cho biết: Đơn vị đã chỉ đạo các bệnh viện, các trạm y tế huy động 33.545 lượt người tổng vệ sinh môi trường. Tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh mùa hè, phòng chống dịch Covid-19 và sốt xuất huyết cho trên 5.000 lượt người tại các xã, thị trấn. Tăng cường điều tra giám sát dịch tại cơ sở để phát hiện ca bệnh, kịp thời xử lý, không để dịch bùng phát trong cộng đồng. Giám sát việc thực hiện ngày vệ sinh môi trường và cấp hóa chất, trang thiết bị cho các xã, thị trấn khi có dịch...
Theo thông tin của ngành Y tế, từ đầu năm đến nay, một số bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm so với năm 2022, như: Bệnh do liên cầu lợn ở người; viêm não vi rút khác; cúm mùa; viêm gan vi rút khác. Tuy nhiên, các bệnh quai bị, thủy đậu, tiêu chảy; viêm gan vi rút B... lại có xu thế gia tăng so với cùng kỳ và có nguy cơ xảy ra các ổ dịch. Trong đó, tại xã Hát Lót, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, dịch thủy đậu phát sinh từ ngày 25/3 đến ngày 18/4, với tổng số 23 ca mắc... Các huyện cũng ghi nhận trường hợp mắc bệnh rải rác.
Ngành Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2023. Theo đó, ngành y tế đã chỉ đạo tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn cán bộ trung tâm y tế các huyện và trạm y tế các xã, thị trấn những biện pháp phòng, chống dịch bệnh có thể bùng phát trong mùa hè. Tăng cường tuyên truyền các dịch bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát trong mùa hè, nâng cao nhận thức phòng bệnh cho nhân dân. Các cơ sở y tế làm tốt công tác khám chữa bệnh, sàng lọc, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị.
Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho hay: Trung tâm tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, cách ly, đáp ứng ngay, xử lý triệt để không để lây lan ổ dịch. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, bảo đảm đạt trên 97% quy mô xã, phường, thị trấn. Củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.
Phòng chống dịch bệnh mùa hè, ngành Y tế khuyến cáo bà con cần chủ động tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin phòng bệnh; thực hiện vệ sinh sạch môi trường sống; hạn chế đến nơi đông người; ăn chín, uống sôi, ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng; khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, cần chủ động báo cho cơ quan y tế và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không để lây lan thành dịch trong cộng đồng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!