Tầm soát, phòng chống bệnh ung thư

Những năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, tạo gánh nặng kinh tế và nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Ngành Y tế đã đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bệnh ung thư; nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở trong việc tầm soát, phát hiện sớm, quản lý và điều trị bệnh ung thư.

Bác sỹ Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tư vấn cho phụ nữ thực hiện khám sàng lọc ung thư. 

Các bệnh lý ung thư thường gặp là ung thư phổi, gan, dạ dày, đại tràng, cổ tử cung... Nếu được tầm soát sớm, kịp thời phát hiện, nhất là trước thời điểm bệnh biểu hiện các triệu chứng, sẽ nâng cao hiệu quả điều trị. Hiện nay, tỉnh ta có nhiều cơ sở y tế thực hiện tầm soát ung thư, như Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa Mộc Châu, Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên, Phòng khám đa khoa thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh... Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp khi có biểu hiện bệnh mới đến khám, nên bệnh đã ở giai đoạn khá muộn, kết quả điều trị không cao, tỷ lệ tử vong lớn.

Hằng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xây dựng nội dung tuyên truyền, cấp phát tài liệu, tờ rơi cho trung tâm y tế các huyện, thành phố và trạm y tế các xã. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bệnh ung thư trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua loa truyền thanh xã, bản và trong các đợt truyền thông sức khỏe tại cộng đồng. Phối hợp với các địa phương thực hiện chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản lồng ghép khám sàng lọc, phát hiện sớm ung thư cho phụ nữ tại cộng đồng. Cấp các trang thiết bị, dụng cụ y tế và vật tư tiêu hao để thực hiện khám sàng lọc ung thư tại tuyến y tế cơ sở.

Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm đã khám sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú cho gần 2.000 lượt phụ nữ tại 19 xã của các huyện trong tỉnh. Trong đó, phát hiện 7 trường hợp ung thư cổ tử cung và ung thư vú, gần 200 trường hợp siêu âm và chụp Xquang có dấu hiệu bất thường. Triển khai thí điểm mô hình khám sàng lọc tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư cổ tử cung của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, Bộ Y tế, tại xã Co Tòng, Liệp Tè, huyện Thuận Châu và Mường Lèo, Sam Kha, huyện Sốp Cộp. Tổ chức 140 buổi truyền thông lồng ghép, với gần 2.800 người tham gia; truyền thông nhóm tại 28 bản và phát 52 lượt trên loa truyền thanh của các xã, bản về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, trong đó có ung thư cổ tử cung. Thực hiện khám sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng test axit acetic cho 800 phụ nữ tại 4 xã, phát hiện 3 trường hợp bất thường, tư vấn chuyển tuyến trên và 337 trường hợp hẹn tái khám tại trạm y tế xã.

Bác sỹ Ngô Thị Đào, Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Những năm gần đây, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh ung thư có dấu hiệu trẻ hóa. Nhiều trường hợp đến khám phụ khoa và thực hiện tầm soát ung thư vú, cổ tử cung, tuyến giáp. Sau khi phát hiện các trường hợp có nguy cơ mắc ung thư, chúng tôi tư vấn đến Bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc các bệnh viện tuyến Trung ương để làm các xét nghiệm khẳng định để điều trị kịp thời. Việc khám sức khỏe định kỳ, thực hiện tầm soát ung thư có vai trò rất quan trọng, để điều trị kịp thời, phòng ngừa các biến chứng.

Tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa tỉnh, thực hiện nhiệm vụ khám, điều trị bệnh nhân bị ung thư, chủ yếu là các ca bệnh mới điều trị nội trú hoặc các ca bệnh đã điều trị tuyến Trung ương tiếp tục điều trị ngoại trú tại bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Quốc Việt, Trưởng khoa, cho biết: Bệnh nhân có biểu hiện bệnh được thực hiện các xét nghiệm, lấy sinh thiết tế bào, sau khi có kết quả sẽ tư vấn hướng điều trị phù hợp. Hằng năm, có hàng nghìn lượt bệnh nhân nhập khoa chữa trị, với nhiều loại ung thư khác nhau, tùy từng trường hợp, Khoa tư vấn phác đồ điều trị phù hợp. Hiện nay, Khoa đang áp dụng các dịch vụ kỹ thuật mới trong điều trị, như phẫu thuật nạo vét hạch cổ, cắt ung thư tuyến giáp, cắt ung thư vú, đường tiêu hóa... Nhiều trường hợp điều trị kịp thời, sức khỏe cải thiện tốt, giúp kéo dài tuổi thọ.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, để phòng, chống bệnh ung thư, người dân cần thực hiện khám sức khỏe định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần; khi có biểu hiện bệnh cần đến các cơ sở y tế để khám bệnh. Có lối sống lành mạnh, tăng cường các hoạt động thể dục, thể thao, đảm bảo sử dụng các loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, góp phần giảm thiểu tỷ lệ người mắc các bệnh ung thư, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bài, ảnh: Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới