Ngăn chặn bệnh đau mắt đỏ trong trường học

Hơn 1 tháng nay, bệnh đau mắt đỏ đã xuất hiện trong các trường học trên 12 huyện, thành phố. Khống chế, không để bệnh không bùng phát trong các trường học, ngành Y tế đã và đang triển khai nhiều biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ.

Tại Trường THCS Chiềng Khương, huyện Sông Mã, từ đầu tháng 9 đến ngày 6/10, đã có 70 em học sinh bị đau mắt đỏ, rải rác ở các khối lớp, trong đó, đang điều trị là 50 em. Cô giáo Phùng Thị Liên, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: Trường đã thông báo đến tất cả các phụ huynh theo dõi sát sức khỏe của con mình, trường hợp nào có triệu chứng bị đau mắt đỏ phải nghỉ học ở nhà để điều trị, tránh lây lan trong trường học. Học sinh sau khi đi học lại, nhà trường có kế hoạch dạy bù, đảm bảo chương trình dạy và học. Đối với giáo viên, trường cho nghỉ và phân công giáo viên trong tổ dạy thay.

Tiết học của cô và trò Trường THCS Chiềng Khương, huyện Sông Mã.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Sông Mã đã có 38/53 trường học ghi nhận có cán bộ, giáo viên, học sinh bị đau mắt đỏ, với 400 người, trong đó, 372 trường hợp là học sinh. Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cho biết: Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ xuất hiện trong trường học, Phòng đã chỉ đạo các trường tăng cường truyền thông đến phụ huynh, học sinh qua nhiều kênh khác nhau; phối hợp với trạm y tế các xã, thị trấn vệ sinh trường lớp; hướng dẫn các em quy trình rửa tay, sát khuẩn; cho học sinh mắc bệnh tạm nghỉ học.

Còn ở huyện Yên Châu, tình hình bệnh đau mắt đỏ tại cộng đồng và các trường học trên địa bàn có xu hướng gia tăng. Từ đầu năm đến ngày 6/10, trên địa bàn đã ghi nhận 83 học sinh bị đau mắt đỏ đang học tập tại Trường TH&THCS Chiềng Khoi và Trường tiểu học Thị trấn. Phòng, chống bệnh đau mắt đỏ lan rộng trong cộng đồng và trường học, UBND huyện đã chỉ đạo các trường khi phát hiện các ca bệnh cho học sinh, cán bộ, giáo viên nghỉ đến khi khỏi bệnh. Khử khuẩn lớp học bằng cách phun hoặc lau bàn ghế bằng dung dịch Cloramin B nồng độ 25% ngày 2 lần, phun 1 tuần/lần. Truyền thông trên loa truyền thanh của xã, thị trấn về các nội dung phòng chống bệnh đau mắt đỏ 2 lần/ngày. 

 Trước diễn biến bệnh đau mắt đỏ ở các trường học, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế phối hợp với các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường. Yêu cầu các đơn vị, cơ sở khám, chữa bệnh chủ động cơ số vật tư, hóa chất, trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh biên soạn tài liệu truyền thông; theo dõi sát diễn biến dịch bệnh để phân tích, đánh giá dịch tễ, tổ chức giám sát vùng nguy cơ để khuyến cáo kịp thời. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, huyện thực hiện phân luồng khám, chẩn đoán và điều trị các trường hợp đau mắt đỏ theo quy định, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

 Theo chia sẻ của các bác sỹ, triệu chứng phổ biến của bệnh đau mắt đỏ mắt là chảy nước mắt và cộm mắt, có gỉ mắt. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh có thể có thêm triệu chứng, như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, hạch ở tai. Bệnh đau mắt đỏ là bệnh lành tính, nhưng gây cảm giác khó chịu; bệnh có 18 tuýp khác nhau. Tuýp nhẹ điều trị khoảng 3 ngày là khỏi; tuýp nặng hơn 10 ngày. Nếu bệnh nặng, mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc… để lại hậu quả, suy giảm thị lực nếu điều trị không đúng cách có thể dẫn đến mù lòa. 

Học sinh khám, điều trị đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt tỉnh. 

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh khi thấy con em có dấu hiệu mắc bệnh đau mắt đỏ, cần đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế tránh gây biến chứng nặng. 

Bài, ảnh: Trần Hiền - Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới