Tiêm vắc xin phòng bệnh là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa và giảm tỷ lệ mắc bệnh. Bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và phụ nữ mang thai, những năm qua, ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả tiêm chủng mở rộng, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tỉnh.
Năm 2022, toàn tỉnh có 88% số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ; trên 90% số trẻ được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản mũi 1,2,3; 72% số trẻ được tiêm vắc xin phòng bệnh DPT (ho gà-bạch hầu-uốn ván); 68% số trẻ được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi; 69% số phụ nữ mang thai được tiêm phòng uốn ván...
Từ thực tế trên cho thấy, tỷ lệ tiêm vắc xin một số bệnh đạt thấp, như: Phòng bệnh DPT, sởi, tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai. Nguyên nhân là do, địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung, giao thông đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa lũ, ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng. Thêm nữa, trình độ dân trí của bà con vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn hạn chế, có tâm lý e ngại các phản ứng sau tiêm. Thời điểm cuối năm 2022, lượng vắc xin do Trung ương cấp về tỉnh còn thiếu nhiều loại trong chương trình tiêm chủng mở rộng...
Hàng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu cho Sở Y tế triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác tiêm chủng trên địa bàn. Trong đó, chỉ đạo các địa phương rà soát đối tượng trong diện tiêm chủng để dự trù vắc xin. Lập kế hoạch tiêm vét, tiêm bổ sung cho đối tượng thuộc vùng lõm tiêm chủng. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chủ động kiểm tra, giám sát hỗ trợ trạm y tế tuyến xã thực hiện tiêm chủng, quản lý vắc xin, vật tư tiêm chủng. Đánh giá tại cộng đồng về công tác tiêm chủng mở rộng để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Hiện nay, 100% các cơ sở tiêm chủng duy trì áp dụng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, tạo thuận lợi trong báo cáo kết quả tiêm chủng, lập kế hoạch tiêm chủng hàng tháng, quản lý các trường hợp chưa tiêm chủng, tiêm thiếu mũi.
Bác sỹ Nguyễn Thị San, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Trong quý I năm 2023, vắc xin 5 trong 1 DPT-VGB-Hib (gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan và vi khuẩn hib) và DPT vẫn còn thiếu. Các vắc xin còn lại được cấp đủ số lượng đã phân bổ cho các địa phương để tiêm vét. Dự kiến, đến giữa tháng 4, kế hoạch tiêm vét trong toàn tỉnh sẽ hoàn thành. Đảm bảo an toàn tiêm chủng, Trung tâm thực hiện nghiêm việc giám sát và hỗ trợ chuyên môn cho cán bộ tiêm chủng các tuyến. Chỉ định tiêm vắc xin và tư vấn trước tiêm chủng.
Bên cạnh đó, các địa phương đã cấp kinh phí cho các tuyến để triển khai hoạt động của chương trình tiêm chủng mở rộng. Tăng cường truyền thông với nhiều hình thức, như: Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, bản; truyền thông trực tiếp tại trạm y tế xã, nhà văn hóa bản, hộ gia đình; xây dựng các bài tuyên truyền, cung cấp tờ rơi về lợi ích của tiêm chủng… nâng cao nhận thức của nhân dân về việc tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe trẻ em và phụ nữ mang thai.
Bác sỹ Khuất Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mộc Châu, cho biết: Từ đầu năm đến nay, Trung tâm được cấp 16.350 liều vắc xin các loại trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong quý I, đã có 22% số trẻ được tiêm chủng đầy đủ; 34% số trẻ được tiêm vắc xin phòng sởi - Rubella; 9,1% số trẻ được tiêm vắc xin DPT và 19,3% số phụ nữ mang thai được tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván. Hiện nay, Trung tâm tiếp tục rà soát các đối tượng chưa tiêm để dự trù nguồn vắc xin, thực hiện tiêm vét, tiêm bổ sung đủ liều đảm bảo kế hoạch đề ra.
Thực hiện tiêm chủng mở rộng, hàng tháng, Trạm Y tế xã Nậm Mằn, huyện Sông Mã, tổ chức tiêm tập trung tại trạm vào ngày 21, tiêm lưu động tại bản Huổi Khoang (bản khó khăn cách trung tâm xã 12km) vào sáng ngày 22; chiều ngày 22 thực hiện tiêm vét tại trạm đối với các trường hợp trẻ chưa được tiêm và phụ nữ mang thai. Bác sỹ Trần Thị Hường, Trạm trưởng Trạm Y tế xã, cho biết: Trạm được trang bị tủ vắc xin, bình tích lạnh, hộp chống sốc, vật tư y tế... phục vụ tiêm chủng. Trước ngày tổ chức tiêm, cán bộ Trạm và nhân viên y tế bản rà soát đối tượng trong diện tiêm chủng, thông báo thời gian, địa điểm tiêm trên hệ thống loa truyền thanh, hoặc gọi điện trực tiếp đến gia đình có con em trong độ tuổi tiêm chủng để đưa con, em đến tiêm đầy đủ, đúng lịch.
Cùng với sự vào cuộc của các ngành, các địa phương, mỗi gia đình cần có trách nhiệm đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, đảm bảo quyền lợi của các đối tượng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, góp phần giảm thiểu sự lưu hành các bệnh truyền nhiễm gây dịch trên địa bàn tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!