Là đơn vị chuyên môn thực hiện nhiệm vụ khám, chữa các bệnh mãn tính về lao phổi, những năm qua, Bệnh viện Phổi Sơn La đã áp dụng các kỹ thuật mới, hiện đại vào chẩn đoán, phát hiện và điều trị bệnh; tăng cường quản lý, giám sát mạng lưới phòng, chống bệnh lao trong toàn tỉnh.
Đầu giờ làm việc buổi sáng, chúng tôi có mặt tại Khoa khám bệnh của Bệnh viện Phổi Sơn La đã khá đông bà con đến làm thủ tục khám bệnh. Ông Vàng A Sênh, bản Pa Khốm, xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên, cho biết: Tôi bị ho và đau đầu kéo dài nhiều ngày, hôm nay tôi đến bệnh viện để khám bệnh. Tôi được các y, bác sỹ tận tình hướng dẫn làm các thủ tục khám bệnh đơn giản, nhanh chóng.
Bệnh viện Phổi có quy mô 150 giường bệnh, gồm 11 khoa, phòng chức năng, với 87 cán bộ, y, bác sỹ, điều dưỡng. Năm 2022, bệnh viện đã tổ chức 23 lớp tập huấn cho đội ngũ bác sỹ bệnh viện, cán bộ tổ chống lao tuyến huyện, thành phố, tuyến xã, về chẩn đoán, điều trị, dự phòng bệnh lao và lao tiềm ẩn, hoạt động xét nghiệm, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, lao trẻ em.
Bà Hà Thị Quán, bản Nà Lò, xã Huy Hạ, huyện Phù Yên, chia sẻ: Tôi mắc bệnh lao, vào điều trị tại bệnh viện từ ngày 7/2. Đến đây, tôi được các bác sỹ khám và điều trị tích cực, nên hiện tại sức khỏe của tôi đã tốt hơn rất nhiều.
Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, bệnh viện đã áp dụng các kỹ thuật hiện đại nâng cao chất lượng khám, điều trị và tầm soát bệnh lao. Trong đó, triển khai kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm, xét nghiệm lao bằng kỹ thuật GeneXpret... giúp tăng tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và điều trị sớm. Công tác phát hiện lao tại cộng đồng được triển khai tích cực bằng xét nghiệm Mantoux (xét nghiệm tiêm dưới da) và chiến lược 2X (sử dụng X-quang ngực và xét nghiệm GeneXpret) để phát hiện sớm bệnh nhân lao và lao tiềm ẩn đưa vào quản lý điều trị, nhằm giảm tỷ lệ người mắc bệnh lao tại cộng đồng.
Ông Đặng Khắc Thuật, bác sỹ Chuyên khoa II, Phó Giám đốc bệnh viện, cho biết: Từ năm 2020 trở về trước, lượng bệnh nhân đến bệnh viện khám và điều trị bệnh lao phần lớn phụ thuộc vào lượng bệnh nhân chuyển tuyến của các cơ sở y tế khác, do vậy số bệnh nhân không nhiều. Từ ngày 1/1/2021, việc thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú tuyến tỉnh đã tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, giúp cho bà con đến khám và điều trị trực tiếp tại bệnh viện nhanh chóng, hiệu quả hơn, nên số lượng bệnh nhân và công suất sử dụng giường bệnh tăng lên.
Trong năm 2022, Bệnh viện đã khám, điều trị cho hơn 3.800 người, trong đó trên 2.500 người điều trị nội trú. Có 90% số bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát; 95% số bệnh nhân hoàn thành điều trị lao phổi và lao ngoài phổi không có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát. Đồng thời, bệnh viện đã triển khai chiến dịch khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh nhân lao và lao tiềm ẩn cho 7.200 người tại 12 huyện, thành phố và các đối tượng có nguy cơ cao tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh, Trại tạm giam tỉnh, Trại giam Yên Hạ. Đã phát hiện 323 người mắc bệnh lao ở các thể, trong đó 5 trẻ em và 12 người đồng nhiễm mắc bệnh lao và HIV.
Ông Hoàng Văn May, Trưởng khoa Lao phổi - HIV kháng thuốc, cho biết: Hiện nay, khoa đang điều trị nội trú 48 bệnh nhân, trong đó 36 bệnh nhân lao, còn lại là bệnh phổi. Với đặc thù là khoa điều trị bệnh nhân mắc bệnh lao, kèm theo bệnh nhân đồng nhiễm lao và HIV, khoa đã được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, như máy hút dịch, máy thở oxy nhân tạo và máy Xquang di động để chụp cho các trường hợp bệnh nhân nặng. Đối với các bệnh nhân chẩn đoán lao phổi có vi khuẩn lao, chúng tôi tư vấn cho người nhà bệnh nhân đến bệnh viện khám và xét nghiệm nguy cơ nguồn lây nhiễm để phát hiện bệnh sớm và có phác đồ điều trị kịp thời.
Cùng với đó, bệnh viện còn truyền thông giáo dục sức khỏe phòng, chống bệnh lao cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại bệnh viện. Ngoài ra, còn triển khai giám sát chương trình chống lao tuyến huyện, tuyến xã, bệnh nhân lao tại nhà từ 2-3 lần/huyện/năm.
Trong thời gian tới, Bệnh viện Phổi Sơn La tiếp tục áp dụng các kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị và thu dung bệnh nhân lao; thực hiện tốt công tác kiểm soát đặc biệt trong 2 tháng điều trị nội trú tập trung, nhằm hạn chế nguồn lây. Tăng cường hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tổ chống lao tại các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố; tập trung xét nghiệm trực tiếp cho các đối tượng nguy cơ cao tại cộng đồng; phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bệnh lao tới nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!