Theo các nhà nghiên cứu, cứ 100 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV mà không được chăm sóc, điều trị thích hợp sẽ có khoảng 30-40 trẻ bị nhiễm HIV. Còn nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV được chăm sóc và điều trị dự phòng kịp thời thì trong số 100 trẻ sinh ra có thể chỉ có 2 trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ. Vì vậy, trong những qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để chủ động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Cán bộ Khoa Truyền nhiễm - Da liễu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh)
phát tờ rơi tuyên truyền dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho các bệnh nhân.
Tính đến ngày 14/6/2018, trên địa bàn tỉnh ta có 5.643 người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS, trong đó có cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Để dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, một trong những giải pháp được các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực thực hiện, đó là: Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân nói chung, nhóm đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nói riêng, thông qua nhiều hình thức: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, của bản; treo băng rôn, khẩu hiệu vượt đường; truyền thông lưu động; thăm hộ gia đình; thảo luận nhóm; truyền thông trực tiếp... Với nội dung chủ yếu là những kiến thức cơ bản về đường lây truyền HIV từ mẹ sang con, như: Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền HIV cho con trong cả 3 thời kỳ: Mang thai, sinh đẻ và cho con bú. Khi mang thai, virus HIV từ máu của mẹ bị nhiễm qua nhau thai vào cơ thể thai nhi. Tuổi thai càng lớn, lượng máu mẹ cung cấp nuôi thai qua bánh nhau càng cao dẫn đến tăng nguy cơ lây nhiễm. Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con còn xảy ra ở thời kỳ chuyển dạ hoặc khi sinh con. Tại thời điểm này, trẻ tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo và máu của mẹ có virus HIV, khi đó virus HIV sẽ xâm nhập vào trẻ. Mặt khác, các cơn co tử cung mạnh cũng có thể đẩy virus HIV từ máu mẹ vào tuần hoàn thai nhi. Thời gian từ khi vỡ ối đến khi sinh càng dài thì nguy cơ lây càng tăng, cứ mỗi giờ vỡ ối sớm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con tăng thêm 2%. Bên cạnh đó, ở thời kỳ cho con bú, HIV từ sữa mẹ xâm nhập vào trẻ qua viêm mạc miệng, lưỡi, lợi, nhất là trong trường hợp trẻ có các viêm nhiễm trong khoang miệng. Hoặc trong trường hợp vú mẹ có viêm nhiễm, có vết nứt, hoặc khi trẻ mọc răng, lúc bú mẹ cắn gây chảy máu thì vi rút HIV theo máu vào miệng trẻ và gây nhiễm HIV cho trẻ... Những kiến thức này sẽ giúp phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV để được cơ quan chuyên môn tư vấn, hướng dẫn việc chủ động dự phòng lây nhiễm HIV sang con. Tính từ năm 2017 đến nay, ngành Y tế tỉnh đã phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng, xây dựng và phát sóng gần 4.000 lượt các tin, bài, VIDEO clip có nội dung về dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; tổ chức nói chuyện, thăm hộ gia đình, thảo luận nhóm trên 1.000 lần... Ngoài ra, các câu lạc bộ, nhóm tự lực, nhóm giáo dục viên đồng đẳng... lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt nội dung phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và cách phòng tránh lây nhiễm HIV ra cộng đồng. Hằng năm, tại các xã, thị trấn đã triển khai phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”; tuyên truyền trực tiếp cho nhân dân tại các tổ, bản, tiểu khu về phòng chống HIV/AIDS, kiến thức dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, không kỳ thị với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS; kiến thức bảo vệ bản thân và gia đình không bị lây nhiễm HIV...
Cùng với đó, ngành Y tế đã tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn về lợi ích của việc xét nghiệm sàng lọc HIV; khuyến khích tất cả phụ nữ mang thai xét nghiệm sàng lọc HIV giai đoạn đầu thai kỳ. Đối với những trường hợp dương tính với HIV được quản lý, theo dõi, điều trị thuốc kháng vi rút HIV tại các phòng khám ngoại trú HIV/AIDS và các cơ sở sản khoa. Đồng thời, theo dõi, can thiệp các cuộc chuyển dạ sinh con đúng quy trình. Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện đều triển khai thực hiện việc theo dõi, chăm sóc, điều trị dự phòng và xét nghiệm sớm HIV cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Riêng 6 tháng đầu năm nay, đã có 4.319 lượt phụ nữ mang thai đi xét nghiệm HIV, trong đó 4 phụ nữ dương tính với HIV. Những trường hợp này đều được chăm sóc theo phương pháp chăm sóc sản khoa đặc biệt để giảm khả năng nhiễm HIV cho con của họ.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành qua việc thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để chủ động dự phòng lây nhiễm HIV mẹ con, hy vọng rằng trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được mục tiêu: Loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, từng bước xây dựng cuộc sống không có HIV/AIDS.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!