Cùng với các biện pháp tư vấn về hành vi, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV, những năm qua, tỉnh Sơn La còn thực hiện biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Đó là việc sử dụng thuốc ARV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ cao để chủ động phòng, ngừa lây nhiễm HIV.
Dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là sử dụng thuốc kháng virus để ngăn ngừa lây nhiễm HIV. Đối tượng sử dụng là những người chưa nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao lây nhiễm cao, như: Vợ, chồng của người nhiễm HIV, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), nhóm tiêm chích ma túy, gái mại dâm… Đối tượng sử dụng loại thuốc này cần được tư vấn, thăm khám và thực hiện các xét nghiệm theo quy định tại các cơ sở y tế; hiệu quả phụ thuộc nhiều vào mức độ tuân thủ điều trị của người sử dụng.
Bác sỹ Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Khoa HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Sơn La triển khai dịch vụ PrEP từ năm 2020. Đây là dịch vụ được hỗ trợ từ Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS; hiện nay, người sử dụng dịch vụ PrEP được miễn phí, gồm thuốc ARV dự phòng và các xét nghiệm liên quan đến điều trị PrEP. Toàn tỉnh hiện có 12 phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS tại các bệnh viện, trong đó các phòng khám đều cung cấp dịch vụ điều trị PrEP.
Hằng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về điều trị PrEP, kỹ năng tư vấn và sàng lọc khách hàng cho đội ngũ cán bộ y tế và các nhóm đồng đẳng viên. Chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về dịch vụ PrEP tại cộng đồng; phát hàng chục nghìn tờ rơi phổ biến về PrEP, tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị HIV bằng thuốc kháng virus ARV.
Hướng dẫn các nhóm đồng đẳng viên đưa các trường hợp có nguy cơ cao đến các cơ sở y tế xét nghiệm và tiến hành điều trị đối với trường hợp có nguy cơ cao nhiễm HIV. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức 2 lớp tập huấn can thiệp giảm tác hại HIV/AIDS cho các đồng đẳng viên, trong đó có nội dung về điều trị PrEP; trên 7.700 lượt người được truyền thông trực tiếp các kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS.
Là đối tượng thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, anh N. T. H, tổ 8, phường Tô Hiệu, Thành phố, đã tham gia điều trị PrEP hơn 1 năm nay. Anh H cho biết: Trước đây, dù đã sử dụng nhiều biện pháp dự phòng sau lây nhiễm HIV, nhưng tôi vẫn còn lo lắng. Từ khi biết đến dịch vụ PrEP và được các y, bác sỹ của Bệnh viện đa khoa tỉnh khám, tư vấn, kê đơn thuốc, tôi yên tâm hơn. Từ lợi ích sử dụng dịch vụ miễn phí, phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe của bản thân, tôi đã giới thiệu cho nhiều trường hợp trong nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao đến điều trị PrEP tại Bệnh viện.
Lũy kế từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 387 trường hợp tham gia điều trị PrEP (hiện có 332 trường hợp đang điều trị). Tuy nhiên, con số này còn rất hạn chế so với 5.018 trường hợp nhiễm HIV còn sống, được quản lý và những đối tượng có nguy cơ cao trong các nhóm MSM, gái mại dâm, các đối tượng tiêm chích ma túy và vợ, chồng, bạn tình của họ… Nguyên nhân là do hầu hết các đối tượng thuộc các nhóm này còn e ngại khi đến những cơ sở y tế để khám và điều trị; cũng có nhiều người chưa biết đến dịch vụ PrEP, do việc tuyên truyền về lợi ích của dịch vụ đến các đối tượng hiệu quả chưa cao.
Bác sỹ chuyên khoa I Trần Thị Thúy Hà, Phó Trưởng khoa truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh, cho biết: Từ năm 2020 đến nay, Phòng khám ngoại trú HIV/AIDS của Bệnh viện đã điều trị cho 58 khách hàng bằng dịch vụ PrEP. Chúng tôi đã tiếp cận với những trưởng nhóm MSM hoặc khi người thân đưa các đối tượng nhiễm HIV đến lấy thuốc tại bệnh viện, chúng tôi giới thiệu, vận động họ tham gia khám, điều trị dự phòng. Ngoài ra, thường xuyên động viên, chia sẻ và tạo niềm tin để họ tuân thủ quy trình điều trị để đạt hiệu quả.
Để dịch vụ PrEP triển khai hiệu quả, ngành Y tế và các địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi bằng nhiều hình thức đến nhân dân, thu hút các đối tượng nguy cơ cao tiếp cận dịch vụ, tham gia điều trị; khuyến khích các trường hợp đã tham gia điều trị giới thiệu những người có nguy cơ cao đến điều trị…, góp phần ngăn chặn sớm việc lây nhiễm HIV trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu không còn người nhiễm mới vào năm 2030.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!