Trên địa bàn thành phố Sơn La đang có 1.829 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Bà Lù Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Sơn La, thông tin: Hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm xảy ra và các bệnh truyền qua thực phẩm, Trung tâm đã tham mưu cho UBND Thành phố củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm (ATTP) Thành phố; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm. Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua hệ thống báo cáo giám sát, 6 tháng đầu năm, trên địa bàn không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Trong hoạt động, Trung tâm đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về ATTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến và người dân. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; làm tốt công tác kiểm tra ATTP phục vụ các sự kiện của tỉnh, thành phố, như: Kỳ họp chuyên đề lần thứ mười sáu, HĐND tỉnh khóa XV; phục vụ đoàn công tác huyện Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào sang thăm, làm việc tại Thành phố; Lễ vinh danh thành phố Sơn La được ghi danh vào mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO; giám sát ATTP tại các cơ sở cung cấp suất ăn cho các đoàn vận động viên tham gia Hội khỏe Phù Đổng tỉnh lần thứ XII năm 2024... Bên cạnh đó, thành lập 23 đoàn liên ngành kiểm tra 251 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tổ chức 8 đoàn hậu kiểm tra, kiểm tra 26 cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2024, Trung tâm phối hợp với các đoàn thể tổ chức 4 buổi nói chuyện chuyên đề. Các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố, xã, phường đã kiểm tra 155 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua kiểm tra, phát hiện 14 cơ sở vi phạm; xử phạt hành chính, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 37 triệu đồng.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố giám sát điều kiện đảm bảo ATTP đối với một số HTX trên địa bàn. Quá trình giám sát đã test nhanh ngẫu nhiên 6 mẫu rau quả về dư lượng thuốc trừ sâu và Nitrat (5 mẫu về dư lượng thuốc trừ sâu, 1 mẫu Nitrat), trong đó, 2 mẫu cho kết quả âm tính, 4 mẫu rau (cần tây, bắp cải, cải chíp, cải cúc của HTX Nông nghiệp xanh 26/3) cho kết quả dương tính với dư lượng thuốc trừ sâu. Đoàn giám sát đã yêu cầu cơ sở tự tiêu hủy 26,5kg rau.
Tại bản Lầu, phường Chiềng Lề, có nhiều hộ gia đình tham gia sản xuất và kinh doanh thịt sấy khô, hun khói. Những hộ này đã đăng ký nhãn hiệu và được các ngành chức năng chứng nhận, lựa chọn làm sản phẩm OCOP 4 sao. Điển hình là sản phẩm “Thịt trâu gác bếp Hoa Xuân” của gia đình anh Tòng Ngọc Hoa. Anh Hoa chia sẻ: Gia đình tôi làm sản phẩm này đã hơn 20 năm nay. Chúng tôi luôn tuân thủ quy trình đảm bảo ATTP từ khâu chọn nguyên liệu đến sơ chế, chế biến và đóng gói sản phẩm, được kiểm soát về chất lượng.
Kinh doanh dịch vụ ăn uống, chị Lèo Thị Vinh, bản Cá, phường Chiềng An, cho biết: Từ khi hoạt động đến nay, cơ sở luôn coi trọng công tác bảo đảm ATTP. Trung tuần tháng 7, Trung tâm Y tế Thành phố đã kiểm tra, thẩm định lại các điều kiện để cấp lại giấy chứng nhận đảm bảo ATTP. Qua kiểm tra, cơ sở đảm bảo các điều kiện được cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATTP. Ðối với người tiêu dùng, cần tìm hiểu kỹ, lựa chọn và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; lựa chọn các thương hiệu có uy tín để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho bản thân và gia đình.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!