Cô đỡ thôn bản vùng cao

Những năm qua, đội ngũ cô đỡ thôn bản đã giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế, góp phần chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Chị Mùi Thị Bắc, cô đỡ thôn bản xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu kiểm tra sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em sau sinh.

Xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu, hiện có 4/13 bản cách trung tâm xã từ 15 đến 20 km đường đất, đường rừng, đường thủy. Mặc dù phụ cấp thấp, nhưng nhiều năm qua, chị Mùi Thị Bắc, bản Nà Sánh vẫn đến từng bản, từng hộ gia đình tuyên truyền, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Chị Bắc tâm sự: Trong 15 năm làm cô đỡ thôn bản, việc hỗ trợ “vượt cạn” cho sản phụ khá vất vả và nhiều rủi ro, bởi nếu sơ xuất sẽ nguy hiểm cho thai phụ và trẻ sơ sinh. Do địa bàn cách xa các cơ sở y tế, nên dù nắng hay mưa, khi có ca sắp chuyển dạ, người dân gọi là tôi đều cố gắng đến nhanh nhất để hỗ trợ sản phụ. Mỗi lần “mẹ tròn, con vuông” là niềm vui, động lực để tôi thêm gắn bó với công việc này.

Chị Giàng Thị Góng, bản Kỳ Sơn, xã Phiêng Côn, huyện Bắc Yên, cũng luôn nhiệt tình trong vai trò cô đỡ thôn bản. Chị Góng cho biết: Bản có 100% là đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, phụ nữ chủ yếu sinh con tại nhà. Tôi đã tuyên truyền theo cách “mưa dầm thấm sâu” về lợi ích của việc đến cơ sở y tế sinh con, nên từ đầu năm đến nay, chỉ có 2 trường hợp sinh con tại nhà.

Nói về vai trò của cô đỡ thôn bản, anh Hoàng Bình Tuân, Trạm Trưởng Trạm Y tế xã Phiêng Côn, huyện Bắc Yên, thông tin: Xã hiện có 3 cô đỡ thôn bản, có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; quản lý thai nghén; thực hiện đỡ đẻ đối với các trường hợp không đến hoặc không kịp đến cơ sở y tế; hỗ trợ định kỳ chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh sau đẻ tại nhà... Thường xuyên báo cáo với Trạm Y tế xã để quản lý và có phương án hỗ trợ, giúp Trạm làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại các bản vùng cao.

Toàn tỉnh hiện có 183 cô đỡ thôn bản, đều là người dân tộc thiểu số, được chọn từ cộng đồng, có cùng phong tục, tập quán với người dân địa phương. Vì vậy, thuận lợi trong việc tiếp cận và tuyên truyền, vận động, cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn cho người dân. Nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ cô đỡ thôn bản, từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức các lớp đào tạo cho 121 lượt cô đỡ thôn bản trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, cập nhật các kiến thức mới về khám thai, chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ; kỹ năng và chăm sóc sức khỏe sau sinh, dinh dưỡng trẻ em... 

Từ năm 2020, cô đỡ thôn bản được hưởng phụ cấp từ Dự án cô đỡ thôn bản do Quỹ Thiện tâm, thuộc Tập đoàn Vingroup tài trợ, với tổng kinh phí trong 2 năm (2020 - 2021) hơn 1 tỷ đồng, trong đó, đã chi trả gần 400 triệu đồng. Bà Đoàn Thanh Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Bên cạnh tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cô đỡ thôn, bản; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức cho cô đỡ thôn bản, các địa phương cần huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án, xã hội hóa để hỗ trợ một phần kinh phí lâu dài, phương tiện đi lại, bổ sung trang thiết bị cần thiết phục vụ hoạt động khám thai và đỡ đẻ để cô đỡ thôn bản yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, góp phần tăng tỷ lệ khám thai, chăm sóc sau sinh, giảm tỷ lệ sinh con tại nhà, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong sản phụ và thai nhi, chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới