Bước vào mùa hè, trên địa bàn huyện Yên Châu thời tiết nắng nóng, nhiệt độ luôn ở mức cao, khiến nhiều người mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hoá. Trung tâm y tế huyện Yên Châu và các cơ sở y tế trên địa bàn triển khai nhiều biện pháp điều trị bệnh và hướng dẫn nhân dân phòng bệnh kịp thời trong thời điểm giao mùa, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Từ trung tuần tháng 3 đến nay, mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Châu tiếp nhận 200-250 bệnh nhân, tăng 25% so với thời điểm trước đó. Trong đó, khoảng 25-30 bệnh nhân đến khám các bệnh liên quan đến rối loạn tiêu hóa, viêm phế quản, viêm phổi, cúm mùa, tiêu chảy, lỵ trực khuẩn… Đây đều là những bệnh truyền nhiễm thông thường hay xảy ra trong mùa hè, tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm kiểm soát kịp thời, thì có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và tạo nguy cơ bùng phát thành dịch.
Tại Khoa Nội - Nhi, số trẻ đến khám và nhập viện tăng, chủ yếu là trẻ mắc các bệnh liên quan đường hô hấp như: cúm, viêm họng, phế quản, tiểu phế quản, phổi... Hiện nay, mỗi ngày tiếp nhận từ 60-80 bệnh nhi đến khám, điều trị nội trú. Chị Vì Thị Hà, bản Ái 1, xã Phiêng Khoài, đưa con đi khám tại đây, cho biết: Mấy ngày trước, con tôi có biểu hiện mệt mỏi, ho nhiều, sốt, đau tức ngực. Ban đầu gia đình tự mua thuốc về điều trị cho con, nhưng tình trạng ho, đau tức ngực không giảm, thậm chí ho có đờm kèm máu nhỏ, nên tôi đưa con vào viện. Sau khi được các bác sĩ thăm khám, cháu được chẩn đoán bị viêm mũi họng, viêm amidan và được bác sỹ chỉ định dùng thuốc điều trị.
Còn cháu Vì Đức Hiệp, 31 tháng tuổi, xã Chiềng Khoi có các biểu hiện sốt cao, khó thở, ho nhiều đờm kèm nhiều dịch mũi, nghẹt mũi, ngủ không ngon, ăn kém. Gia đình đưa vào viện, cháu được chẩn đoán bị cúm, viêm phổi và nhập viện điều trị kịp thời nên sau 2 ngày tiêm, truyền kết hợp thuốc đã cắt sốt, sức khỏe đang dần ổn định.
Bác sỹ Lò Văn Thắng, Trưởng Khoa Nội - Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Châu, cho biết: Đối với trẻ dưới sáu tuổi, hệ miễn dịch của trẻ yếu, đặc điểm cấu tạo hệ hô hấp của trẻ chưa đầy đủ, đường thở nhỏ, ngắn dễ tắc nghẹt, dễ bị virus, vi khuẩn hô hấp xâm nhập, gây bệnh. Đồng thời, sức đề kháng hô hấp của trẻ cũng chưa đủ mạnh để chống lại được sự tấn công của virus, vi khuẩn khiến các bệnh lý viêm đường hô hấp tăng nhanh trong thời điểm này.
Bác sỹ thông tin thêm, các loại vi rút hợp bào phát triển rất nhanh, lây truyền từ người sang người thông qua dịch tiết đường hô hấp như ho, hắt hơi, lây qua bắt tay hoặc bị hít vào khi đang nói chuyện với người bị bệnh. Khi mới khởi phát, trẻ có biểu hiện của viêm đường hô hấp, như: đau họng, ho, sốt, hắt hơi, chảy mũi, chán ăn, bỏ ăn, mệt mỏi ít vận động hơn ngày thường. Đối với những trẻ có đề kháng yếu, bệnh có thể kéo dài, dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp,...
Bác sỹ Chuyên khoa I Quàng Văn Thiện, Trưởng Khoa Truyền nhiễm - Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Yên Châu, cho biết: Từ tháng 2 đến nay, toàn huyện đã phát hiện gần 100 ca mắc các bệnh truyền nhiễm, như: thủy đậu, cúm, lỵ trực khuẩn rải rác tại 15/15 xã, thị trấn, có nguy cơ lây lan, bùng phát thành dịch.
Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế huyện tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh các xã, bản, cơ quan về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trong thời điểm giao mùa; huy động 368 hộ dân tham gia vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải sinh hoạt; khử trùng nơi ở, chăn màn cho học sinh tại 27 trường thực hiện chế độ bán trú; phun hóa chất phòng dịch cho 168 hộ gia đình và 6 trường học; phân bổ 300kg hóa chất cloramin B, 60 lít hóa chất diệt côn trùng cho 15/15 trạm y tế xã, chủ động phun khử khuẩn, diệt côn trùng tại các trường học, các bản có ca bệnh truyền nhiễm.
Cùng với đó, chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng mở rộng thực hiện nghiêm túc việc tiêm phòng cho trẻ; tăng cường giám sát dịch tễ, củng cố mô hình đoàn viên xung kích, tình nguyện bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh; tổ chức “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” ra quân vệ sinh, khơi thông cống rãnh, không để ao tù, nước đọng, bụi rậm tạo điều kiện cho muỗi và vi khuẩn phát triển.
Ngoài những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của ngành Y tế, mỗi người dân cần chủ động tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc-xin phòng bệnh; thực hiện “ăn chín, uống sôi”, lựa chọn thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc để phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh về đường tiêu hóa; ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng; giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
Bên cạnh đó, phòng bệnh cho trẻ, phụ huynh cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ; bổ sung thêm chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng; đảm bảo tiêm chủng đúng lịch, đủ liều; hạn chế ra ngoài lúc nhiệt độ cao; vệ sinh răng miệng, mũi, họng, đeo khẩu trang khi ra ngoài, đến các nơi đông người... Ngoài ra, khi có dấu hiệu mắc bệnh người dân cần đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời. Đặc biệt, khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, người dân cần chủ động báo cho cơ quan y tế, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị kịp thời, không để bệnh lây lan trong cộng đồng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!