Chỉ đạo tuyến nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Với mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, ngành Y tế Sơn La đã triển khai hoạt động chỉ đạo tuyến với nhiều chương trình chuyển giao các kỹ thuật mới cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ, hiệu quả công tác khám, chữa bệnh tuyến cơ sở, hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Giọng nữ

Hằng năm, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh xây dựng nhu cầu cần hướng dẫn chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật mới để có phương án hỗ trợ. Phối hợp với các bệnh viện tuyến trung ương, như: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện Tim Hà Nội… chuyển giao kỹ thuật mới cho bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện. Chỉ đạo bệnh viện y tế tuyến tỉnh, trung tâm y tế, bệnh viện y tế tuyến huyện hỗ trợ chuyên môn cho trạm y tế tuyến xã.

Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội chuyển giao kỹ thuật bơm xi măng thân đốt sống đoạn bản lề thắt lưng cho Bệnh viện đa khoa tỉnh. Ảnh: Thúy Hằng (BVĐK tỉnh).

Ông Trần Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Công tác chỉ đạo tuyến được thực hiện theo hình thức, cán bộ tuyến trung ương hướng dẫn trực tiếp và chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ y, bác sĩ tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ y, chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ y tế tuyến huyện, xã. Sở Y tế đã giao cho Bệnh viện đa khoa tỉnh là đầu mối tiếp nhận cán bộ của y tế tuyến huyện, tuyến xã đến thực hành nâng cao trình độ chuyên môn.

Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tập huấn các bệnh truyền nhiễm cơ bản cho Bệnh viện đa khoa huyện Sông Mã. Ảnh: Như Quỳnh (BVĐK Sông Mã). 

Trong năm 2023, từ việc chuyển giao kỹ thuật của các bệnh viện tuyến trung ương đã giúp các Bệnh viện đa khoa tỉnh, Thảo Nguyên và Mộc Châu áp dụng 20 kỹ thuật mới trong khám, điều trị bệnh. Trong đó, 16 kỹ thuật mới về lâm sàng và 4 kỹ thuật về cận lâm sàng, như: Gây mê nội khí quản bằng propofol, hồi sức sau mổ bệnh nhân chấn thương sọ não nặng, gây tê tuỷ sống bằng hỗn hợp Bupivacain và Fentanyl, gây tê ngoài màng cứng liên tục giảm đau sau mổ, phẫu thuật chấn thương thanh quản, khí quản, đảm bảo gây mê hồi sức an toàn cho các phẫu thuật ổ bụng, sọ não, lồng ngực, cột sống, thay khớp, nội soi… Nhờ vậy, đã giải quyết thành công nhiều ca bệnh nặng, hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Nhai hướng dẫn điều dưỡng thực hiện kỹ thuật điện tim cho bệnh nhân. 

Bên cạnh đó, tổ chức 24 chương trình tập huấn, hội thảo, đào tạo các chuyên khoa cho đội ngũ y, bác sĩ các huyện, thành phố, tuyến xã trong tỉnh và trung tâm y tế một số huyện của tỉnh Điện Biên. Riêng đối với y tế tuyến xã, từ triển khai Dự án 7, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã tập huấn, đào tạo cho 70 cán bộ trạm y tế các xã về đỡ đẻ, cấp cứu ngoại khoa và nội khoa cơ bản, trợ giúp điện tim, điện tim cơ bản, siêu âm ổ bụng tổng quát, thực hiện các kỹ thuật y học cổ truyền. Chuyển giao 7 gói kỹ thuật điện tim và siêu âm ổ bụng tổng quát về các trạm y tế xã.

Bệnh viện đa khoa tỉnh chuyển giao kỹ thuật siêu âm ổ bụng tổng quát cho Trạm Y tế xã Nà Mường, huyện Mộc Châu. Ảnh: Thúy Hằng (BVĐK tỉnh). 

Bác sĩ Nguyễn Thúy Hằng, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện đa khoa tỉnh, cho biết: Năm 2023, Bệnh viện đã được các bệnh viện tuyến trên chuyển giao các kỹ thuật mới, như ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong chẩn đoán bệnh truyền nhiễm, phẫu thuật cắt tuyến nước bọt mang tai bảo tồn dây VII, bơm xi măng thân đốt sống đoạn bản lề thắt lưng - thắt lưng cùng… Đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng còn tham gia 5 hoạt động đào tạo, hội thảo do các cơ sở y tế tuyến trung ương tổ chức. Công tác chỉ đạo tuyến đã nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện và nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh. Năm 2023, số bệnh nhân chuyển tuyến trên giảm 0,4% so với năm 2022.

Cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã điều trị cho bệnh nhi. 

Định kỳ 1-2 lần/năm, Bệnh viện đa khoa huyện Sông Mã phân công đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện về hỗ trợ chuyên môn cho trạm y tế các xã, thị trấn trên địa bàn theo Quyết định số 1300/QĐ-BYT về Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2030. Bác sĩ Vì Thị Hiếu, Trạm trưởng Trạm y tế xã Chiềng Khương, cho biết: Hằng năm, cán bộ của Bệnh viện về trạm hỗ trợ trực tiếp việc chẩn đoán, điều trị bệnh, sơ cấp cứu ban đầu; khám, chữa bệnh y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại; quản lý, theo dõi các bệnh không lây nhiễm; thực hiện các thủ tục hành chính, kê đơn thuốc và dự trù nguồn thuốc định kỳ… Đây là hoạt động thiết thực, nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ, giúp trạm từng bước khắc phục những hạn chế trong chuyên môn, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân trong xã.

Nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế, hỗ trợ phát triển kỹ thuật mũi nhọn cho các bệnh viện và cơ sở y tế tuyến dưới, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân là hiệu quả mà công tác chỉ đạo tuyến mang lại. Ngành Y tế đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trong công tác chỉ đạo tuyến để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cho nhân dân trong tỉnh.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới