Thời điểm giao mùa Thu - Đông, thời tiết lạnh vào sáng sớm và chiều tối, nắng khô vào trưa, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút gây bệnh phát triển, đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ em, người cao tuổi do sức đề kháng kém. Do đó, việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh giao mùa là việc làm cấp thiết, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Với thời tiết như hiện nay, người dân dễ mắc các bệnh, như: Cúm, sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy cấp, viêm đường hô hấp, ho gà. Trong 10 tháng qua, toàn tỉnh đã ghi nhận 1 ổ dịch sốt xuất huyết tại huyện Mai Sơn, với 314 ca mắc; 39 ca sốt phát ban nghi sởi mắc; 78 ca lao phổi; 32 ca viêm não vi rút khác; 35 ca tay - chân - miệng…
Các ca bệnh đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Bảo đảm sức khỏe cho nhân dân, ngành Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; dự phòng đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí, sẵn sàng thu dung, điều trị khi có dịch xảy ra.
Cùng với đó, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ nhân viên y tế để nâng cao năng lực giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh, hay tác nhân gây bệnh; hướng dẫn các biện pháp xử lý ổ dịch, chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực và chăm sóc người mắc bệnh; cung cấp và cập nhật thông tin, khuyến cáo người dân về tình hình dịch bệnh.
Bà Đặng Thị Ánh Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Trung tâm đã tăng cường giám sát, phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh, tham mưu cho chính quyền các địa phương biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. Xây dựng kế hoạch, kịch bản theo các tình huống để sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra; chuẩn bị đủ vắc xin để cấp cho các địa phương tiêm chủng bù liều cho trẻ. Phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh. Tổ chức hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh trong cụm dân cư, trường học.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức giám sát, hướng dẫn triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường; truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng sau thiên tai, thảm họa tại 12 huyện, thành phố. Kiểm tra, giám sát 93 lượt công tác phòng, chống dịch và phun khử khuẩn môi trường và phun khử khuẩn tại các bản, tổ dân phố, với 2.526 hộ, 71 trường học. Cấp phát 1.245 kg hóa chất Cloramin B phun khử khuẩn vùng chịu ảnh hưởng của bão lũ cho 1.162 hộ. Phối hợp tổ chức 42 lượt truyền thông lưu động lồng ghép tuyên truyền phòng chống dịch bệnh; phát hành 2.000 cuốn bản tin y tế; sản xuất 9 thông điệp truyền thông về phòng, chống bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, cúm mùa…
Tại Khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, những ngày gần đây đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ bị cúm mùa, sốt virus, viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy. Bác sĩ chuyên khoa II Nông Thị Diệp Lệ, Trưởng Khoa Nhi, cho biết: Hiện nay, Khoa có 65 giường bệnh. Các trường hợp bệnh nhi nhập viện điều trị chủ yếu mắc bệnh về đường hô hấp. Khoa bố trí các phòng điều trị, tăng cường hội chẩn phối hợp giữa các khoa để kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị để phục vụ khám và điều trị cho trẻ.
Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 610 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông, với trên 375.000 học sinh. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với ngành Y tế hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm, như: Sởi, tay chân miệng, ho gà, sốt xuất huyết. Thường xuyên theo dõi sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để kịp thời xử lý. Tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Cô giáo Nguyễn Thị Loan, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Lề, Thành phố, thông tin: Với hơn 1.200 học sinh, nhà trường phối hợp với trạm y tế phường khám sức khỏe định kỳ cho các em. Thường xuyên nhắc nhở học sinh chú ý giữ gìn sức khỏe, nếu có dấu hiệu sức khỏe không tốt cần báo ngay cho thầy cô phụ trách để có hướng điều trị; tuyên truyền đến phụ huynh học sinh cách chăm sóc, phòng bệnh cho con tại gia đình.
Trong thời điểm giao mùa, ngành Y tế khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm; chú ý ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao sức đề kháng; vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, nhất là đối với trẻ nhỏ và người có bệnh mãn tính. Khi có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm, không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà mà đến ngay các cơ sở khám, chữa bệnh để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Thực hiện tốt công tác tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Cùng với những nỗ lực của ngành Y tế, mỗi người dân cần chủ động phòng, chống dịch bệnh, góp phần giảm thiểu nguy cơ bệnh tật và bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong thời điểm giao mùa.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!