Báo động đột quỵ ở người trẻ tuổi

Những năm gần đây, số lượng bệnh nhân trẻ tuổi đột quỵ nhập viện cấp cứu và điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh gia tăng. Trước đây, căn bệnh này chỉ xuất hiện ở bệnh nhân lớn tuổi với các bệnh nền đi kèm, nay đang được cảnh báo “trẻ hóa”.

 

Phục hồi chức năng di chứng sau đột quỵ cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh.

Bác sỹ Mè Thị Xuân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thông tin: Người cao tuổi bị đột quỵ thường do các bệnh lý đi kèm, nhất là cao huyết áp, đái tháo đường... Còn đối với người trẻ, có thói quen thức khuya, sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, ma túy hay thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ đột quỵ. Hiện nay, các ca bệnh bị đột quỵ là người còn trẻ ngày càng nhiều.

Trung bình một năm, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân đột quỵ ở các độ tuổi khác nhau. Bệnh nhân đột quỵ phân thành 2 nhóm chính: Đột quỵ xuất huyết và đột quỵ thiếu máu não cục bộ. Trong đó, đột quỵ thiếu máu não cục bộ là phổ biến, không phân biệt tuổi tác hay yếu tố bệnh nền. Trong vài phút, nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ bắt đầu chết, dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề. Đột quỵ có thể chữa trị nếu người nhà bệnh nhân biết xử trí đúng, sớm đưa bệnh nhân đi cấp cứu trong vòng 3 giờ khi tai biến.

Bác sỹ Lê Thị Hiến, Trưởng Khoa khám bệnh đa khoa - cấp cứu, hồi sức, Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh, chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận và điều trị, trị liệu cho trên 600 bệnh nhân gặp di chứng sau đột quỵ, trong đó 20% độ tuổi từ 17-50 tuổi. Tỷ lệ phục hồi tùy vào mức độ tổn thương và thời điểm bệnh nhân tham gia điều trị. Vì vậy, các trường hợp bị đột quỵ cần được điều trị, trị liệu càng sớm càng tốt; kiên trì điều trị theo liệu trình, giảm nguy cơ các di chứng diễn biến nặng.

Bà L.T.P, 43 tuổi, xã Mường Bú, huyện Mường La, được trị liệu phục hồi chức năng sau di chứng đột quỵ. Khi nhập viện Phục hồi chức năng tỉnh, bà P. trong tình trạng liệt nửa người trái, lưỡi cứng, không thể tự vệ sinh cá nhân và không đi lại được. Sau 3 năm kiên trì, luyện tập, điều trị, đến nay, bà P. đã có thể đi lại, tự vệ sinh cá nhân, nói chuyện được với những người xung quanh. Bà P. nói: Tôi được các bác sỹ chăm sóc tận tình, tình hình bệnh của tôi đã tiến triển nhiều.

Để phòng tránh bệnh đột quỵ, các bác sỹ khuyến cáo người dân cần tăng cường tập thể dục; duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, nhiều rau củ quả, ít chất béo, ít đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ngọt và các chất kích thích. Chủ động đi khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần; ở người trẻ tuổi cần tầm soát đột quỵ, phát hiện sớm các dị dạng mạch máu não, nhận biết các vấn đề về tim mạch, nhất là các chứng rối loạn nhịp tim, hoặc bị hẹp, hở van tim... Khi xuất hiện các dấu hiệu méo miệng, liệt mặt, tê bì, yếu nửa người, môi lưỡi tê cứng, nói khó hoặc không nói được, mắt nhìn mờ, đau đầu... cần đến cơ sở y tế. Tuyệt đối không mất thời gian chờ người bệnh tự phục hồi hay sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng để điều trị tại nhà.

Dù bệnh nhân đột quỵ có qua khỏi cũng vẫn để lại những di chứng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này, ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình do chi phí chăm sóc người bệnh. Do vậy, mỗi người cần có ý thức tự bảo vệ sức khỏe và có lối sống lành mạnh, nhất là giới trẻ hiện nay.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới