Thực hiện mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, những năm qua, các cơ quan chức năng đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành thanh tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, nhằm hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Hiện nay, toàn tỉnh có 7.128 cơ sở thực phẩm; gồm 2.091 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 1.105 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, 376 bếp ăn tập thể, còn lại là các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm. Hàng năm, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các huyện, thành phố triển khai các hoạt động đảm bảo ATVSTP, nhất là các thời điểm mùa lễ hội. Tổ chức các chiến dịch truyền thông giáo dục kiến thức ATTP và triển khai Tháng hành động ATTP. Tổ chức cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ký cam kết không sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh đối với các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, kịp thời ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng; xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm.
Cùng với việc tham mưu cho Sở Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm còn tăng cường kiểm tra, giám sát ATTP tại các chương trình, sự kiện lớn của tỉnh, như: Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022; khánh thành Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La, Đại hội cháu ngoan Bác Hồ tỉnh lần thứ XI... Chị Hoàng Bích Ngọc, cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết: Tại các chương trình, sự kiện, chúng tôi kiểm soát chặt chẽ thực đơn 3 bữa; lấy mẫu nguyên liệu, kiểm tra bằng test nhanh; kiểm tra việc thực hiện lưu mẫu thức ăn trong 24 giờ để có hướng xử lý kịp thời trong trường hợp có ngộ độc xảy ra.
Anh Ngô Hải Cường, Tổ trưởng tổ bếp ăn tại Nhà khách UBND tỉnh, cho hay: Nhà bếp hiện có 8 thành viên. Từ đầu năm đến nay, đã phục vụ khoảng 600 - 700 thực khách tham gia các hội nghị, sự kiện của tỉnh và các cơ quan, đơn vị. Chúng tôi chuẩn bị các trang thiết bị, dụng cụ tại các khu vực chế biến và khu vực phòng ăn; tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo ATVSTP. Sử dụng các loại thực phẩm, rau, củ, quả tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng và được bảo quản, chế biến đúng quy trình. Nhờ vậy, nhà bếp không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ cộng đồng kết hợp phục vụ các món ăn dân tộc cho khách du lịch, Homestay Noọng Ơi, bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, luôn coi trọng công tác ATTP. Chị Nguyễn Thị Hồng Hảo, chủ Homestay, cho biết: Chúng tôi nhập nguồn nguyên liệu từ các cơ sở uy tín và có hợp đồng cam kết đảm bảo ATTP với bên cung ứng. Thường xuyên cử đầu bếp và nhân viên bếp ăn tham gia các lớp tập huấn kiến thức vệ sinh ATTP do các cơ quan chức năng tổ chức. Nhờ vậy, homestay tạo dựng được uy tín và được du khách tin tưởng, lựa chọn.
Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trên 24.000 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, 22.500 lượt cơ sở đạt, hơn 1.500 cơ sở vi phạm và bị xử lý, với số tiền phạt trên 4,5 tỷ đồng; 58 cơ sở bị cảnh cáo, nhắc nhở và tiêu hủy sản phẩm không đảm bảo ATTP. Trong Tháng hành động ATTP năm 2023 (từ ngày 15/4 đến 15/5), các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 26 đối tượng vi phạm quy định kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tổng số tiền phạt hơn 50 triệu đồng.
Cùng với tăng cường công tác quản lý, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về VSATTP của cơ quan chức năng, còn rất cần mỗi cá nhân, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc lựa chọn những nguyên liệu chất lượng, sản phẩm tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, nói không với những thực phẩm bẩn, kém chất lượng, góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!