Huyện biên giới Sốp Cộp là nơi sinh sống của 7 dân tộc Thái, Mông, Lào, Khơ Mú, Kinh, Tày, Mường. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Sốp Cộp được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn.
Đoàn viên thanh niên xã Púng Bánh (Sốp Cộp) tham gia làm đường giao thông tại bản Bánh.
Ảnh: PV
Bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch huyện, cho biết: Xác định việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, làm thay đổi căn bản diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã tập trung thực hiện tốt Chương trình 135, 30a; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số; hỗ trợ học sinh trường phổ thông ở các xã, bản đặc biệt khó khăn; trao học bổng cho học sinh dân tộc nội trú; chính sách phát triển cơ sở vật chất trường học đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số... Đồng thời, lồng ghép triển khai hiệu quả nguồn vốn các chương trình hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh với dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, từng bước góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn; làm chuyển đổi mạnh mẽ nhận thức cho người dân và là động lực để nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ nguồn vốn hơn 11 tỷ đồng Chương trình 135 năm 2020, huyện đã phân bổ vốn để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ đầu năm đến nay, huyện đã giải ngân hơn 8,8 tỷ đồng đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng được một công trình thủy lợi; 1 nhà văn hóa bản; 1 công trình nước sinh hoạt. Đang thi công xây dựng nhà văn hóa bản Púng Báng, xã Sam Kha; mở và nâng cấp tuyến đường từ bản Huổi Phúc đi Sam Quảng, từ bản Mạt đến Huổi Cải Xoong (Mường Lèo); từ bản Dồm - Huổi Yên - Pá Hốc (Dồm Cang) và công trình nước sinh hoạt bản Lạnh Bánh (Nậm Lạnh). Duy tu bảo dưỡng 3 công trình giao thông; 5 công trình thủy lợi; 4 công trình nước sinh hoạt... Dựa vào điều kiện thực tế và thế mạnh của từng xã và từ nguồn vốn của Chương trình 135, huyện đã giúp hàng trăm lượt hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số có thêm vốn phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại nguồn thu nhập ổn định. Điển hình như việc hỗ trợ bò giống cho 25 hộ ở xã Mường Và với số tiền 450 triệu đồng; hỗ trợ lợn giống cho hàng chục hộ dân của các xã: Mường Lạn, Púng Bánh với số tiền hơn 532 triệu đồng. Hỗ trợ 380 triệu đồng cho 50 hộ xã Mường Lèo nhân rộng mô hình chăn nuôi bò sinh sản; hỗ trợ gần 388 triệu đồng cho 46 hộ của xã Mường Lạn và xã Mường Và nhân rộng mô hình trồng xoài Đài Loan; hỗ trợ 486 triệu đồng cho 60 hộ của xã Púng Bánh và xã Mường Và nhân rộng mô hình nuôi thủy sản trên địa bàn.
Cũng từ nguồn vốn Chương trình 135, năm 2016, huyện đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho 15 hộ bản Phổng, xã Nậm Lạnh trồng 10 ha cây sa nhân tím dưới tán rừng, sau 2 năm, người dân đã có thu nhập ổn định từ mô hình. Diện tích sa nhân được nhân rộng, vừa giữ được độ ẩm cho đất, chống được cỏ dại, vừa góp phần bảo vệ và PCCCR. Còn bản Cáp Ven, xã Mường Và, với 100% là đồng bào Thái, Lào cùng sinh sống; trước đây bà con chỉ biết trồng sắn, thu nhập bấp bênh. Năm 2017, từ nguồn vốn Chương trình 30a, huyện đã chỉ đạo Trạm Khuyến nông xây dựng mô hình trồng cây ăn quả sử dụng hệ thống tưới chủ động với quy mô 3 ha. Gia đình anh Hà Văn Bóng là 1 trong 3 hộ tham gia mô hình; trên 1 ha đất canh tác anh đã trồng 820 cây cam, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới chủ động. Anh Bóng cho biết: Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cam phát triển tốt, năm nay bắt đầu ra quả, nhiều hộ trong bản cũng đang mạnh dạn chuyển đổi đất trồng sắn sang trồng cây ăn quả.
Nhận thức được vai trò người có uy tín trong tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số, huyện luôn quan tâm động viên, tạo điều kiện để người có uy tín khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng. Chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên thăm hỏi, tổ chức các đợt tập huấn, tham quan, học tập kinh nghiệm cho những người có uy tín; lựa chọn người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số tham dự các hội nghị, lễ tuyên dương, qua đó động viên người có uy tín phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Hiện, toàn huyện có 106 người uy tín. Từ đầu năm đến nay, huyện Sốp Cộp đã hỗ trợ gần 164 triệu đồng cho người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg; thăm hỏi động viên 9 người có uy tín ốm đau, gia đình có việc hiếu, hỷ... Cấp phát 19 loại báo, tạp chí miễn phí đến đối tượng được thụ hưởng trên địa bàn theo đúng quy định, giúp đồng bào nâng cao nhận thức, trình độ dân trí, học tập những mô hình kinh tế điển hình nhằm giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, huyện Sốp Cộp còn huy động các nguồn lực xã hội xóa nhà dột nát cho các hộ nghèo. Trong năm 2020, Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng một số cơ quan của Trung ương và tỉnh đã hỗ trợ 6 tỷ 420 triệu đồng cho huyện Sốp Cộp xóa 107 nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; góp phần tạo động lực để hộ nghèo ổn định cuộc sống và phấn đấu vươn lên.
Có thể thấy, với việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc ở huyện Sốp Cộp, đời sống nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện và nâng cao. Đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết gìn giữ an ninh trật tự, bảo vệ đường biên mốc giới và chung tay xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!