22 năm gắn bó với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân các bản vùng cao biên giới, y sỹ Lèo Văn Hùng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mường Lèo (Sốp Cộp) luôn nhận được sự tin yêu, mến phục của đồng nghiệp và bà con, bởi tinh thần trách nhiệm, tận tụy trong công việc.
Y sỹ Lèo Văn Hùng tuyên truyền kiến thức bảo vệ sức khỏe cho người dân xã Mường Lèo (Sốp Cộp).
Theo chân y sỹ Lèo Văn Hùng tới bản Liềng để thăm khám cho bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Con đường tới bản không dài nhưng lởm chởm đất đá, thêm cái nắng gắt của buổi trưa làm lưng áo blouse trắng của anh Hùng thấm đẫm mồ hôi. Vừa đi, anh kể về bệnh nhân 36 tuổi bị liệt nửa người do căn bệnh viêm màng não từ khi 7 tuổi. Anh Hùng luôn chủ động sắp xếp thời gian để đến tận nhà, tạo điều kiện để bệnh nhân được tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc y tế.
Câu chuyện tạm ngưng khi trước mắt chúng tôi là ngôi nhà nhỏ dựng bằng tre, nứa đơn sơ của gia đình người bệnh. Thấy dáng người cao gầy cùng giọng nói khàn khàn quen thuộc của anh Hùng, gia đình bệnh nhân phấn khởi ra đón vào nhà. Anh Hùng vừa khám, vừa ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Trước khi về, anh dặn dò mọi người bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các biện pháp phòng tránh, bảo vệ bản thân và gia đình trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.
Trở lại Trạm Y tế xã, chúng tôi mới có thời gian trò chuyện nhiều hơn với người thầy thuốc này. Sinh năm 1965 và lớn tại xã Mường Lèo, từ nhỏ, anh Hùng đã có ước mơ trở thành thầy thuốc chữa bệnh cho bà con. Dù điều kiện gia đình khó khăn, nhưng anh Hùng quyết tâm “khăn gói” ra Thành phố theo học Trường Trung cấp Y tế Sơn La (nay là Trường Cao đẳng Y tế Sơn La). Sau khi tốt nghiệp, anh Hùng trở về quê công tác, đến năm 1998, được giao trọng trách Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mường Lèo. Anh Hùng kể: Khi ấy, cuộc sống của bà con trong xã rất khó khăn, cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn, việc chăm sóc sức khỏe trở nên xa vời với đồng bào nơi đây. Mỗi khi có bệnh, người dân thường trị bằng kinh nghiệm dân gian, mời thầy mo, thầy cúng về nhà và chỉ khi bệnh nặng mới tìm đến thầy thuốc. Địa bàn xã rộng, phân bố phức tạp; bà con ít được tiếp cận thông tin đại chúng, không có phương tiện để liên lạc nên công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trăm bề khó khăn.
Với tinh thần trách nhiệm, vượt trên khó khăn, y sỹ Hùng cùng đồng nghiệp thay nhau đến các bản vùng sâu, vùng xa để thực hiện công tác truyền thông, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bản thân anh học thêm tiếng của đồng bào các dân tộc để thuận lợi trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ hủ tục lạc hậu, nhất là hướng dẫn bà con ăn ở hợp vệ sinh, phòng bệnh; vận động bà con đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Trung bình mỗi năm, cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Mường Lèo thực hiện khám và điều trị cho khoảng 1.500 lượt bệnh nhân. Mỗi tháng, các cán bộ y tế lại xuống các bản từ 1 - 2 lần để phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân những kiến thức chăm sóc sức khỏe, thực hiện dân số - kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh môi trường phòng dịch bệnh. Đặc biệt, để đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em, hàng tháng, Trạm tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động tại 13/13 bản, nhiều bản cách xa trung tâm, đi đến nơi mất nửa ngày đường, trong khi yêu cầu phải bảo quản tốt thuốc tiêm khi vận chuyển đi xa trong thời gian dài. Song, anh Hùng cùng các y sỹ của Trạm luôn hoàn thành tốt công tác tiêm chủng mở rộng.
Gắn bó nhiều năm với bà con vùng cao, anh Hùng không thể nhớ hết đã có bao lần đồng hành với bệnh nhân và gia đình họ vượt qua bệnh tật. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi anh chữa trị cho 1 bệnh nhân người Khơ Mú vào cuối năm 2010. Anh kể: Khi đến Trạm, bệnh nhân có triệu chứng sốt, nôn. Chẩn đoán và nghi bị áp xe gan, vượt quá khả năng của Trạm, tôi thông báo và đề nghị người nhà đưa bệnh nhân tới bệnh viện huyện để chữa trị. Do thiếu kiến thức, điều kiện gia đình lại khó khăn nên người nhà bệnh nhân muốn đưa người bệnh về nhà. Khi ấy, tôi đã giải thích, cảnh báo, kiên quyết thuyết phục người nhà cho bệnh nhân điều trị ở tuyến trên. Tôi cũng thu xếp cùng họ đưa người bệnh tới Bệnh viện Đa khoa huyện, rồi tiếp tục tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh. May mắn được chữa trị kịp thời nên bệnh nhân đã khỏi bệnh. Đến giờ, mỗi khi có dịp gặp và gia đình họ vẫn nhắc mãi câu chuyện ấy. Niềm vui lớn nhất sau 22 năm công tác, là tôi đã góp sức mình để nâng cao nhận thức và kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho bà con nhân dân; đặc biệt là việc bà con ý thức phòng bệnh, có bệnh là biết tìm đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn; nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống giảm rõ rệt...
Với những nỗ lực trong hoạt động chuyên môn cũng như rèn luyện y đức, anh Hùng đã nhiều lần được các cấp khen thưởng. Gần đây nhất năm 2019, Công đoàn ngành Y tế chứng nhận đoàn viên tiêu biểu trong phong trào thi đua cán bộ y tế học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ những đóng góp của anh trong quá trình công tác, chỉ đạo, Trạm Y tế xã Mường Lèo cũng nhận được nhiều Giấy khen của các cấp và ngành Y tế. Nhiều năm trôi qua, sự miệt mài, tận tâm bám dân, bám bản của y sỹ Lèo Văn Hùng đã để lại trong lòng bà con sự tin tưởng, lòng biết ơn và những hình ảnh đẹp về người thầy thuốc nơi vùng cao biên giới còn nhiều gian khó này.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!