Thực hiện Nghị quyết số 101/NQ-HĐND ngày 7/12/2018 của HĐND tỉnh về Đề án sắp xếp, sáp nhập các bản, tiểu khu, tổ dân phố chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định trên địa bàn tỉnh, huyện Sốp Cộp đã triển khai theo kế hoạch, đảm bảo sau khi sáp nhập, các hoạt động vẫn được duy trì ổn định.
Ban Quản lý bản Kéo Hin, xã Púng Bánh phổ biến hương ước, quy ước của bản.
Để thực hiện Nghị quyết số 101/NQ-HĐND, huyện Sốp Cộp đã chỉ đạo Phòng Nội vụ trực tiếp cử cán bộ tham gia cùng với các xã thực hiện rà soát đánh giá các điều kiện, tiêu chí theo Thông tư số 09/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ, trên cơ sở đó lập danh sách các bản dự kiến sắp xếp, sáp nhập để lập Đề án sáp nhập bản; tổ chức họp, lấy ý kiến của nhân dân các bản sáp nhập. Huyện đã thành lập 8 tổ công tác gồm các thành viên trong Ban Thường vụ huyện ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phụ trách xã trực tiếp tham gia triển khai các cuộc họp, buổi tuyên truyền, giải thích nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, đa số hộ dân đều đồng tình ủng hộ.
Trước khi sáp nhập, huyện Sốp Cộp có 8 đơn vị hành chính cấp xã với 128 bản. Ðến nay, huyện đã sáp nhập 43 bản để thành lập 21 bản trên địa bàn 6/8 xã. Sau khi sáp nhập, nhiều xã đã giảm số lượng lớn bản, như: Xã Mường Và giảm 5 bản còn 22 bản; xã Sốp Cộp giảm 6 bản còn 11 bản... Thực hiện sáp nhập các bản bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần thu gọn đầu mối, tinh giản số lượng người hoạt động không chuyên trách, giảm chi từ ngân sách. Trước đây, ở mỗi bản đều có ít nhất 8 chức danh không chuyên trách, với 128 bản trước khi sáp nhập có khoảng 1.500 người hoạt động không chuyên trách. Sau khi sáp nhập thì số lượng đầu mối giảm còn gần 1.300 người, tiết kiệm hơn 4,4 tỷ đồng cho ngân sách chi trả phụ cấp, mức khoán kinh phí cho các chức danh hoạt động ở bản.
Quá trình thực hiện sáp nhập bản, huyện Sốp Cộp cũng gặp không ít khó khăn do dân cư phân bố không đồng đều, phân tán ở các khu vực, thuộc các dân tộc khác nhau, khoảng cách giữa các bản xa nhau trên 5 km. Cụ thể là xã Mường Lèo có 13 bản, trong đó có 8 bản biên giới đặc thù, khoảng cách giữa các bản xa nhau từ 7 đến 30 km. Qua khảo sát thực tế, nắm bắt tình hình thực tế cùng với việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, nên huyện quyết định đề nghị không thực hiện sáp nhập các bản trong xã. Bên cạnh đó, sau khi sáp nhập việc thay đổi thông tin liên quan đến hồ sơ, hộ tịch lớn nên các cơ quan chuyên môn của huyện chưa thể giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Phòng Nội vụ huyện cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục rà soát, tuyên truyền vận động người dân các bản tại 3 xã Mường Và, Dồm Cang, Sam Kha để tiếp tục thực hiện sáp nhập theo Nghị quyết. Đồng thời, Phòng cũng sẽ phối hợp với các phòng ban chuyên môn nhanh chóng giải quyết các thủ tục, hồ sơ liên quan đến hộ tịch cho người dân các bản thực hiện sáp nhập và tổng hợp các kiến nghị của người dân tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.
Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền trong tuyên truyền vận động người dân hiểu rõ chủ trương của việc sáp nhập, huyện Sốp Cộp đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân khi thực hiện tốt công tác sáp nhập bản, từ đó, phát huy sức mạnh của nhân dân trong xây dựng và phát triển bản mới...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!