Nhiều năm nay, cụm từ “Bộ đội 326” đã trở nên rất đỗi quen thuộc và thân thương với đồng bào các dân tộc huyện Sốp Cộp. Dù chưa đi hết những nơi Đoàn thành lập các Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận khá rõ tình cảm của bà con các dân tộc dành cho các anh. 16 năm qua, những người lính đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo cả một vùng biên giới xa xôi.
Cán bộ Đội 7, Đoàn 326 tuyên truyền pháp luật cho người dân.
16 năm “cắm bản”
Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 326 (Đoàn 326) được thành lập tháng 6/2002, đứng chân trên địa bàn huyện Sốp Cộp. Đoàn có nhiệm vụ xây dựng lực lượng, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, quản lý tình hình địa bàn, làm công tác vận động quần chúng và triển khai thực hiện dự án xây dựng khu kinh tế - quốc phòng và tổ chức sản xuất, làm nòng cốt hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước, kinh tế - xã hội của huyện Sốp Cộp còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu, trình độ dân trí thấp, phương pháp canh tác lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp... Với vai trò là lực lượng nòng cốt giúp cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân phát triển kinh tế; sắp xếp ổn định dân cư khu vực biên giới; củng cố nâng cao tiềm lực quân sự - quốc phòng địa phương; giữ vững an ninh chính trị địa bàn, chủ quyền biên giới quốc gia, Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn 326 đã chủ động phối hợp với các lực lượng đứng chân trên địa bàn, thực hiện các biện pháp giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, xây dựng, củng cố mối đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền lãnh đạo nhân dân trên địa bàn phát triển sản xuất.
Đại tá Chu Ngọc Khanh, nguyên Đoàn trưởng, nhớ lại: Những ngày đầu thành lập, khu vực đơn vị đóng quân cũng chưa có điện, nước sinh hoạt, sóng điện thoại cũng không. Thêm vào đó, phong tục, tập quán, bất đồng ngôn ngữ khiến công tác tiếp cận, triển khai nhiệm vụ của Đoàn trong tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc gặp nhiều khó khăn. Cán bộ, chiến sĩ trong Đoàn đã tự nguyện trích một phần tiền lương, phụ cấp đóng góp xây dựng quỹ xóa đói, giảm nghèo, phòng chống bão lũ, thiên tai và các quỹ bảo trợ xã hội khác. Coi đồng bào các dân tộc như người thân, những người lính Đoàn 326 bám dân, bám địa bàn, phối hợp cùng với cấp ủy, chi bộ cơ sở bồi dưỡng, đề nghị kết nạp trên 800 đảng viên mới, góp phần xóa 16 bản không có đảng viên; góp phần củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động trên 250 tổ chức đoàn thể ở các bản; huy động gần 6.200 ngày công phòng chống, khắc phục thiên tai, bão lũ, làm đường, các công trình phúc lợi; xây dựng 3 nhà văn hóa kiêm lớp cắm bản, 30 cầu treo, 53 phòng học, 7 hệ thống thủy lợi, và hàng trăm km đường giao thông nông thôn; hỗ trợ nhiều tấn ngô giống cho hàng trăm hộ; trực tiếp giúp đỡ 250 hộ thoát nghèo, tham gia xóa trên 2.000 nhà tạm; triển khai hàng chục mô hình giúp dân thoát nghèo; vận chuyển hàng trăm tấn gạo cấp cho các hộ nghèo ở các bản biên giới; cán bộ quân y của Đoàn phối hợp khám, chữa bệnh cho trên 32.000 lượt người dân, cấp thuốc miễn phí trị giá trên 2,3 tỷ đồng...
Những con số kể trên chưa thể nói hết những đóng góp của cán bộ, chiến sỹ Đoàn 326 trong 16 năm qua, nhưng điều thấy rõ là cuộc sống của người dân, tình nghĩa quân dân đã đổi thay và ngày càng gắn kết khăng khít.
Mô hình đưa nước lên vùng cao tưới cho cây trồng không dùng điện, nhiên liệu
và nuôi thỏ sạch kết hợp nuôi giun quế ở Đội 2.
Những thay đổi ấn tượng
Mường Và, Mường Lạn, Púng Bánh hay Mường Lèo (Sốp Cộp)... những địa phương vô vàn khó khăn một thời, nhưng bây giờ đã có nhiều khởi sắc. Ấn tượng nhất là Sam Quảng, bản đặc biệt khó khăn của xã Mường Lèo. Đây là nơi những người lính Đội 7, Đoàn 326 đứng chân. Đội thành lập năm 2003, phụ trách địa bàn 6 bản: Huổi Luông, Pá Khoang, Nậm Khún, Huổi Phúc, Nà Chòm và Sam Quảng, toàn là những bản thuộc diện đặc biệt khó khăn. Những ngày đầu thành lập, bản nào cũng 100% hộ nghèo, nhiều người nghiện hút, tham gia buôn bán ma túy, họ không biết canh tác, cấy trồng cây gì, nuôi con vật nào cho phù hợp... Bây giờ, người dân đã biết làm ruộng nước, hạn chế phá rừng làm nương, nhà nào cũng làm được vườn rau, biết chăn nuôi gia súc, gia cầm. Không chỉ vậy, cán bộ Đội 7 còn phấn đấu mỗi năm giúp đỡ một hộ trong bản thoát nghèo, thế nên, trong tổng số 48 hộ nghèo thì nay chỉ còn gần chục hộ. Tệ nạn xã hội giảm, Sam Quảng bây giờ không còn ai liên quan đến tội phạm về ma túy, không có người mắc nghiện mới. Thành công nhất là từ một bản không có đảng viên, Sam Quảng đã thành lập được chi bộ với 8 đảng viên. Nhận thấy người dân Sam Quảng thường thiếu ăn lúc giáp hạt, trong khi thanh niên trong độ tuổi lao động dồi dào lại không có việc làm, Đội xác định phải tạo việc làm cho dân để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Việc đầu tiên vận động lãnh đạo các Công ty May xuất nhập khẩu Yên Mỹ (Hưng Yên), Công ty Thép Hòa Phát, Công ty sản xuất thìa... tạo điều kiện, tiếp nhận những lao động phổ thông trên địa bàn. Sau đó, cả Đội tham gia tuyên truyền, vận động thanh niên trong độ tuổi lao động xuống các khu công nghiệp, tìm kiếm việc làm.
Đại úy Lê Xuân Hợi, Chính trị viên Đội 7, chia sẻ: Để vận động người dân rời nhà đi làm việc tại các khu công nghiệp là điều rất khó... song cứ kiên trì tuyên truyền, vận động, đến cuối tháng 5 vừa qua, Đội vận động được 2 lao động nữ đi lao động tại khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên). Đến tháng 7, vận động thêm 8 người nữa. Biết tin Sam Quảng có người được đưa đi làm việc ở các công ty, đã có 3 người ở bản Huổi Làn và 2 người bản Huổi Phúc cũng đăng ký đi lao động, làm may mặc, đóng gói hàng hóa, vận hành máy móc... mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Bây giờ, những lao động của Sam Quảng rất hào hứng với công việc, biết tin, có nhiều gia đình không chỉ ở Sam Quảng, mà các bản lân cận cũng chủ động liên hệ với đơn vị để làm hồ sơ, tìm kiếm việc làm cho con em họ. Đặc biệt, bản Huổi Luông, có 100% người dân theo đạo cũng đã có 7 người tìm đến xin việc làm. Đến thời điểm này đã có 24 người tham gia lao động ở khu công nghiệp.
Già làng Giàng Chi Măng, ở bản Sam Quảng, năm nay đã ngoài 80 tuổi, bảo: Từ khi cán bộ về, bản đã có đảng viên, thành lập được chi bộ, từ đảng viên đến bà con trong bản ai cũng cố gắng làm theo hướng dẫn của bộ đội. Nhờ có “bộ đội 326” mà người dân đã biết cách làm cho cây rau sinh sôi, đàn gia súc, gia cầm phát triển. Nhà nào trong bản cũng biết cách xây nhà vệ sinh tự hoại. Bây giờ, tất cả người dân đã biết cái chữ, biết cách làm ăn. Sam Quảng giờ đã có gần 18 ha lúa nước rồi đấy! Trâu bò, dê ngựa, gà vịt nhiều lắm, béo lắm, không đếm hết được... Vui nhất là khi con cháu trong bản được bộ đội tìm cho việc làm ở các khu công nghiệp, có thu nhập cao. Tôi tin trong một ngày không xa, con cháu chúng tôi sẽ mang “cái văn minh” về bản.
Còn Đội 2, đóng quân trên địa bàn bản Mường Và (xã Mường Và). Con đường vào bản bây giờ được bê tông hóa, không những thế, người dân nơi đây hầu hết đã không còn nuôi trâu, bò ở gầm nhà sàn như trước, mà di dời chuồng trại ra xa nơi sinh hoạt của gia đình, tạo không gian thoáng đãng, sạch sẽ. Từ ngày có bộ đội về, rất nhiều “cái mới” đã xuất hiện như trồng lúa nước, các mô hình tăng gia sản xuất, áp dụng KHKT. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 60%, giờ chỉ còn khoảng gần nửa... Đại úy Vũ Văn Thuần, Chính trị viên Đội 2 chia sẻ: Việc vận động bà con các bản Nà Vèn, Mường Và ăn ở vệ sinh, đưa gia súc ra khỏi gầm sàn không dễ dàng. Các cán bộ, chiến sĩ phải xuống tận nhà tự làm chuồng trại ra khỏi gầm sàn, vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở cho bà con. Lúc đầu, bà con để bộ đội làm, sau thấy hiệu quả, nhà cửa sạch sẽ, bắt đầu nhiều nhà làm theo. Một thay đổi đáng kể nữa là, từ việc bí thư chi bộ các bản chưa nắm rõ quy trình sinh hoạt chi bộ như thế nào, mỗi đợt sinh hoạt, bí thư hoặc phó bí thư chi bộ Đội 2 phải xuống dự cùng, hướng dẫn cách ra nghị quyết, xây dựng chương trình tổ chức thực hiện. Nhờ vậy, đến nay, những buổi sinh hoạt đã được chi bộ bản chủ động tiến hành theo đúng quy định của Điều lệ Đảng.
Không chỉ vậy, người dân trong vùng còn biết đến những công nghệ mới mà bộ đội làm mẫu để bà con học tập. Từ đầu năm đến nay, những người lính Đội 2 đã sáng tạo, ứng dụng nhiều mô hình hữu ích để người dân trong vùng làm theo. Đầu tiên phải kể đến chiếc máy bơm nước suối lên tưới cây ở vị trí cao từ 50-100m mà không cần dùng điện, nhiên liệu, chi phí lại rất thấp. Tiếp đó là mô hình nuôi thỏ sạch kết hợp nuôi giun quế; sạch là vì chất thải của thỏ bị phân giải hết nhờ nuôi giun quế ở tầng dưới, tạo môi trường sạch hơn nên thỏ cũng lớn nhanh, không bị bệnh, vì vậy đơn vị không phải dùng bất kỳ một loại thuốc kháng sinh nào cho đàn thỏ. Đây là mô hình tiết kiệm được chi phí đầu tư về nguồn thức ăn chăn nuôi gia cầm cũng như giảm công dọn chuồng trại lại tăng thu nhập. Không dừng ở đó, đơn vị đã tự chế tạo máy ấp trứng mi ni dùng cho hộ gia đình, mỗi mẻ ấp khoảng 400 trứng, với tỷ lệ gà nở đạt từ 85 - 90%, mỗi mẻ ấp tiết kiệm điện được từ 2-3 triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị đã đề xuất giải pháp đưa máy móc vào quá trình trồng trọt và chăn nuôi, như máy chế biến thức ăn chăn nuôi, máy xay chém đa năng, máy làm đất đa năng. Đặc biệt, đơn vị đã chế tạo thành công máy ép cám viên và lò sấy đa năng; với chiếc máy này, đã chủ động được nguồn thức ăn trong chăn nuôi... Những mô hình này được người dân trong vùng đón nhận và đang được nhân rộng ra các xã lân cận.
Sau 16 năm kiên trì “cắm bản”, những vùng đất khó đã và đang khởi sắc từng ngày, nhiều mô hình, cách làm hay đang phát huy hiệu quả. Những đổi thay ấy in đậm dấu ấn của “Bộ đội 326”, góp phần giữ vững thế trận an ninh vùng biên giới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!