Sốp Cộp tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự quyết tâm, nỗ lực của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, gần 20 năm qua, huyện Sốp Cộp đã vượt qua khó khăn, có nhiều bước đột phá trong phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, diện mạo đô thị khu trung tâm hành chính huyện có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 60% xuống còn 24,64%.

 

Nông dân bản Co Pồng, xã Sốp Cộp có thu nhập ổn định từ nuôi bò nhốt chuồng.

 

Từ năm 2004 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của huyện đạt trên 15%; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp và thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; ngành nông nghiệp từng bước chuyển sang hướng phát triển sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng.

Phát huy lợi thế, toàn huyện chỉ đạo khai thác, sản xuất trên 12.542 ha đất nông nghiệp; trong đó, cây lương thực có hạt đạt 6.196 ha, diện tích cây ăn quả 1.935 ha, cây trồng khác 6.346 ha; nuôi trồng 254 ha thủy sản; chăm sóc, phát triển đàn gia súc 51.500 con. Đến nay, huyện đã có 1 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu là “Nếp Mường Và - Sốp Cộp”; 1 chỉ dẫn địa lý “Sơn La” cho sản phẩm cà phê. Nhân dân bảo vệ tốt trên 79.000 ha rừng và khoanh nuôi tái sinh 23.288 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 48%.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả quan trọng, tạo chuyển biến trong phát triển nông nghiệp, bộ mặt nông thôn vùng biên giới ngày một đổi mới. Đến nay, huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt 14 tiêu chí, 2 xã đạt 10 tiêu chí và 1 xã đạt 8 tiêu chí; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 93,2%.

Đồng thời, huyện đã chỉ đạo triển khai các giải pháp đồng bộ, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; tập trung phân bổ vốn đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng, thiết yếu. Từ năm 2015 đến nay, huyện đã bàn giao, đưa vào sử dụng 315 dự án. Công tác phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể được quan tâm, khuyến khích việc thành lập hợp tác xã; hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng và từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã của Nhà nước, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất đối với các hợp tác xã trên địa bàn huyện. Đến nay, toàn huyện có 38 doanh nghiệp và 22 hợp tác xã đang hoạt động.

Đồng chí Bùi Thanh Thủy, Bí thư huyện ủy, cho biết: Xác định thế mạnh của huyện là nông nghiệp, Huyện ủy đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, như nghị quyết về chăn nuôi đại gia súc, nghị quyết về trồng cây ăn quả, nghị quyết về xây dựng nông thôn mới... Xác định quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp theo thế mạnh; trong đó, vùng trồng cam, quýt ở Mường Và, Nậm Lạnh; nếp tan Mường Và; phát triển chăn nuôi trâu, bò ở Mường Lèo, Mường Lạn; trồng cây dược liệu ở Nậm Lạnh; trồng cây mắc ca xã Mường Và; xoài Mường Lạn...

Bằng các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước từ các Chương trình 30a, 135, 102 và những định hướng của huyện, nhiều hộ gia đình, hợp tác xã, các doanh nghiệp tích cực chủ động áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp, tạo ra sản phẩm nông sản có chất lượng; xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện có trên 100 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung ở lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc, phát triển cây ăn quả và trồng rừng; trong đó, nhiều hộ có thu nhập từ 300 - 350 triệu đồng/năm.

Lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới thoát nghèo bền vững, Đảng bộ huyện Sốp Cộp đã ban hành 16 chỉ tiêu về phát triển KT-XH và 3 chỉ tiêu về công tác xây dựng Đảng; 3 khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đó là: Phát triển nông, lâm nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa; đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân; đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH theo hướng đồng bộ, trong đó tập trung đầu tư phát triển hạ tầng để xây dựng xã Sốp Cộp được công nhận là thị trấn vào cuối năm 2025; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, xã, bản, cơ quan, đơn vị.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới