Quýt chum Nậm Lạnh

Quýt chum hiện đang là cây trồng đặc sản của xã biên giới Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, bởi chất lượng quả thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng. Loại cây này, đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. Hiện, xã Nậm Lạnh đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ trồng quýt chum, nhằm xây dựng thành sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của xã.

 

Người dân bản Lọng Tòng thu hoạch quýt.

 

Theo đánh giá của lãnh đạo UBND xã Nậm Lạnh, cây quýt chum rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, quýt sau khi trồng mới từ 4-5 năm bắt đầu cho thu hoạch. Quýt chum Nậm Lạnh có hình thức đẹp, mọng nước, khi ăn có vị thơm, ngọt, nên được nhiều thương lái từ nhiều nơi đến tìm mua. Hiện xã có trên 3 ha quýt chum; trong đó, có gần 2 ha đã cho thu hoạch, trồng tập trung chủ yếu tại bản Cang, Púng Tòng, Lọng Tòng..., năng suất bình quân đạt trên 8 tấn/ha, giá bán ra thị trường trung bình 40.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giống quýt thường.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xã đã lựa chọn cây quýt chum để nhân rộng và phát triển trên địa bàn; tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích giống quýt chum. Từ năm 2020 đến nay, đã có 82 hộ tại 7 bản đăng ký trồng quýt chum, với tổng diện tích gần 8 ha. Bên cạnh đó, để đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng, xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông phối hợp với các đoàn thể mở hàng chục lớp tập huấn hỗ trợ, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP; hướng dẫn người dân dùng phân hữu cơ thay thế phân hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; tận dụng chất thải gia súc ủ phân, kết hợp trộn vôi bột để bón, đảm chất lượng sản phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh tổ chức Hội thảo “Phát triển quýt chum và nuôi ong đàn lấy mật theo hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm” trên địa bàn xã giai đoạn 2020-2025 và tìm các giải pháp kỹ thuật, cải tạo nhân giống quýt chum Nậm Lạnh.

Ông Tòng Văn Piêng, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 về 2 khâu đột phá: “Phát triển quýt chum và nuôi ong đàn lấy mật theo hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm”. Bên cạnh việc tập trung hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc và mở rộng diện tích cây quýt, thời gian qua, xã còn vận động người dân góp vốn thành lập HTX sản xuất quả quýt chum theo quy trình VietGAP, liên kết với các đơn vị tiêu thụ, nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm của người dân.

Tới thăm mô hình trồng quýt chum của gia đình ông Vì Văn Lánh, bản Púng Tòng, chúng tôi không khỏi ấn tượng bởi những cây quýt đang phát triển xanh tốt, vươn mình trên những đồi dốc. Ông Lánh nói: Gia đình tôi trồng quýt từ những năm 2002, nhưng đến năm 2009 mới đưa giống quýt chum về trồng thử nghiệm. Sau vài năm trồng, cây phát triển tốt và cho quả thơm, ngọt, năng suất cao, hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với cây ngô, sắn và cây quýt sẵn có. Vì vậy, gia đình tôi đã tự nhân giống và mở rộng thêm diện tích. Đến nay, gia đình có trên 2 ha quýt chum với gần 2.400 gốc; trong đó, 1,5 ha đã cho thu hoạch, năm 2020 thu hoạch hơn 4 tấn, trừ chi phí gia đình thu nhập gần 100 triệu đồng.

Phấn đấu đến năm 2025, Nậm Lạnh phát triển diện tích trồng quýt chum đạt trên 6 ha và hướng tới xây dựng quýt chum Nậm Lạnh trở thành sản phẩm OCOP; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ, tuyên truyền, vận động các hộ trồng cây quýt chum thành lập hợp tác xã để tạo ra hàng hóa tập trung, sản xuất theo quy trình VietGAP và liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Trung Hiếu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới