Giờ đây, cư dân nhiều bản của huyện Sốp Cộp đã được Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) xây dựng những chiếc cầu dân sinh bằng bê-tông vững chãi, chắc chắn, bà con không còn canh cánh nỗi lo phải lưu thông qua những cây treo bằng gỗ đã cũ nát, thường bị cô lập trong mùa mưa lũ như trước nữa.
Trường PTDT bán trú THCS Mường Lạn nằm không xa con suối Nậm Sọi. Trước đây chưa lâu, đã nhiều lần cầu tạm được dựng lên để nối nhà trường với trung tâm xã, nhưng mùa lũ đến, nước dâng cao, chảy xiết, thường gây hư hỏng hoặc cuốn trôi cầu, không bảo đảm an toàn cho cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường. Được hưởng lợi từ Dự án LRAMP của Bộ Giao thông vận tải, cây cầu bê-tông Mường Lạn dài 36 mét, mặt cầu rộng 3 mét, tải trọng khoảng 10 tấn, tổng mức đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2018. Chia sẻ niềm vui, thầy giáo Phạm Văn Tuân, Hiệu trưởng trường PTDT bán trú THCS Mường Lạn, phấn khởi: Học sinh của nhà trường đa số đang ở lứa tuổi hiếu động, khi phải đi trên cầu treo qua suối luôn đối mặt với các nguy cơ tiềm ẩn, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Để khắc phục, nhà trường chủ động phối hợp với các đoàn thể của xã, huy động phụ huynh góp gỗ, công sức tu sửa cầu, cứ 1 năm 3 lần thay các tấm ván gỗ, gia cố lại cột, dây văng... nhưng không thể bảo đảm chắc chắn an toàn. Bây giờ có cây cầu bê-tông này không còn phải lo lắng, suy nghĩ nhiều nữa, thầy và trò nhà trường chúng tôi yên tâm thi đua dạy tốt, học tốt.
Cầu Mường Lạn, xã Mường Lạn được xây dựng kiên cố từ Dự án LRAMP.
Bản Hua Lạnh (xã Nậm Lạnh) cũng được hưởng lợi từ Dự án LRAMP. Cây cầu bê-tông này gồm hai nhịp, dài 40 mét, mặt cầu rộng 3 mét, bắc qua suối Nậm Tấu, nối tuyến đi các bản Hua Lạnh, Nậm Lạnh, Huổi Hịa. Cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2019, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ sản xuất và sinh hoạt của hàng trăm hộ dân. Ông Vàng Khua Dênh, Trưởng bản vui lắm: Từ khi có cây cầu, người dân trong bản ai ai cũng phấn chấn vì mọi việc đi lại, sản xuất, buôn bán rất thuận lợi, hàng tiêu dùng từ huyện cũng được mang đến tận nơi phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, trẻ con đi học cũng yên tâm hơn. Nếu trước đây, vào mùa thu hoạch ngô, sắn, phải dùng xe máy thồ nông sản mất rất nhiều công sức, thì nay ô-tô trọng tải nhỏ đã dễ dàng đến tận các bản, hàng hóa của bà con tiêu thụ khá thuận lợi, vừa tiết kiệm thời gian và công sức, lại không bị tư thương ép giá.
Cầu Hua Lạnh, xã Nậm Lạnh được đầu tư xây dựng từ Dự án LRAMP.
Huyện Sốp Cộp là địa phương có địa hình chia cắt khá mạnh, nhiều suối, khe to nhỏ chạy qua, việc đi lại của người dân chủ yếu trên những cây cầu tạm bằng tre, gỗ, rất nhanh bục mục, xuống cấp, không an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ. Kể từ năm 2016 đến nay, huyện Sốp Cộp đã được đầu tư xây dựng mới 8 cây cầu tại các xã Mường Lèo, Mường Lạn, Nậm Lạnh, Púng Bánh, Sam Kha theo Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương của Bộ Giao thông vận tải, từ nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới (WB). Tuy nhiên, các cây cầu dân sinh được tổ chức thi công xây dựng đều nằm ở những địa bàn xa xôi, hẻo lánh, nên công tác vận chuyển nguyên vật liệu, máy móc, phương tiện rất khó khăn, tiến độ thi công các công trình thường bị ảnh hưởng khá nhiều, bởi vậy hiện giờ mới hoàn thành và đưa vào sử dụng 6 cây cầu, 2 cầu còn lại mới đạt chừng 50 - 60% khối lượng...
Dù vậy, với những công trình cầu dân sinh bê-tông của Dự án LRAMP hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng đã và đang tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ tốt đời sống sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi, giao thương hàng hóa nông sản... của đồng bào các dân tộc huyện Sốp Cộp, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách mọi mặt đối với các địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!