Có dịp đến với các bản vùng cao Phá Thóng, Nà Trịa, Huổi My của xã Sam Kha (Sốp Cộp) những ngày cuối tháng 2 này, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc, sự phấn khởi của người dân nơi đây khi được sử dụng điện lưới quốc gia phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt, lao động và sản xuất của gia đình.
Trạm biến áp cấp điện lưới quốc gia bản Phá Thóng, xã Sam Kha (Sốp Cộp).
Dọc tuyến đường hơn 20 km từ trung tâm xã Sam Kha đến các bản Phá Thóng, Nà Trịa, Huổi My, giữa núi rừng bạt ngàn điểm sắc trắng của hoa ban, hôm nay đã có thêm những hàng cột điện sừng sững đưa điện lưới quốc gia về các bản. Phá Thóng, Nà Trịa, Huổi My là 3 bản xa trung tâm xã nhất, với tổng số 178 hộ, 1.038 nhân khẩu, là người dân tộc Mông sinh sống. Vì có nhiều đoạn đường hẹp, dốc cao, cây cối rậm rạp nên việc kéo điện lên 3 bản này mất nhiều thời gian hơn dự tính, nên khi có điện lưới quốc gia, không thể kể hết niềm vui của bà con nơi đây.
Anh Thào A Chu, Trưởng bản Phá Thóng, phấn khởi: Khi chưa có điện lưới, các hộ dân trong bản phải tận dụng nước từ các khe, suối để lắp máy phát điện mini, nhưng vì không đủ nước nên điện chập chờn, chỉ đủ thắp sáng một bóng điện nhỏ. Không có điện, việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, đời sống văn hóa tinh thần của bà con cũng hạn chế, ảnh hưởng đến học tập của con trẻ. Được cán bộ ngành điện tuyên truyền, chúng tôi vận động bà con trong bản tự nguyện hiến đất giải phóng mặt bằng và tham gia cùng đơn vị thi công vận chuyển cột điện, thiết bị vật tư, góp phần nhanh chóng đưa điện về bản.
Tìm hiểu được biết, tháng 1/2019, Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã triển khai tới 3 bản, công trình có quy mô hơn 40 km đường dây cao thế 35 kV, hơn 15 km đường dây hạ thế 0,4 kV và 3 trạm biến áp tại 3 bản, cùng với lắp đặt công tơ, bảng điện, cầu dao, bóng điện đến từng hộ gia đình. Sau hơn một năm thi công, các hộ dân và điểm trường, nhà văn hóa của 3 bản đã được sử dụng điện lưới quốc gia, niềm mong mỏi bấy lâu của bà con đã trở thành hiện thực. Khi có điện lưới quốc gia, bà con các bản đã mua sắm nhiều đồ dùng điện trong gia đình, như đài, ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện, máy bơm nước và các loại máy sản xuất sử dụng điện, như: máy xay xát, máy cắt, chế biến thức ăn chăn nuôi... Được tiếp cận với các chương trình truyền hình, phát thanh, bà con còn nắm bắt thêm nhiều thông tin quan trọng, hữu ích, nhất là việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế...
Đã hơn 70 tuổi, ông Thào Nhịa Mua, bản Huổi My, không giấu được niềm vui: Ngày trước không có điện, cứ tối đến, trong nhà, ngoài bản tối om, bọn trẻ con phải học dưới ánh sáng lay lắt của đèn dầu. Bây giờ thì khác rồi, được Đảng, Nhà nước quan tâm đưa điện về với vùng sâu, vùng xa, tối đến xem chương trình truyền hình về cách trồng cây ăn quả, nuôi con trâu, con bò... bằng tiếng dân tộc mình, trẻ con có ánh sáng điện học bài, nhà nhà đều có điện thắp sáng, chắc chắn cuộc sống của bà con trong bản sẽ đổi thay.
Ông Quàng Văn Hặc, Chủ tịch UBND xã Sam Kha trao đổi thêm với chúng tôi: Sau khi 3 bản Phá Thóng, Nà Trịa, Huổi My có điện, xã Sam Kha sẽ hoàn thành tiêu chí số 4 về điện trong xây dựng nông thôn mới. Là những bản cuối cùng của xã có điện lưới quốc gia nên người dân vô cùng vui mừng, phấn khởi. Có điện, người dân các bản sẽ được hưởng lợi trong sản xuất và sinh hoạt; trình độ dân trí sẽ dần được nâng cao, đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Có điện lưới quốc gia, không chỉ thắp sáng bản làng, mà còn mang ánh sáng văn hóa, ánh sáng tri thức đến với đồng bào các dân tộc thiểu số. Có điện, bà con 3 bản vùng cao xã Sam Kha được tiếp cận nhiều hơn với các thông tin, khoa học kỹ thuật để áp dụng trong lao động sản xuất, qua đó, phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!