Được coi là xã xa xôi và gặp nhiều khó khăn bậc nhất của huyện Sốp Cộp, song mấy năm trở lại đây, bằng nhiều dự án đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực, đoàn kết người dân..., Mường Lèo đã và đang có những chuyển biến tích cực về nhiều mặt, đặc biệt là phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc.
Người dân bản Pá Khoang, xã Mường Lèo chăm sóc gia súc.
Tới Mường Lèo bây giờ, theo cung đường Sốp Cộp - Púng Bánh - Mường Lèo dài gần 60 km, uốn lượn qua các sườn núi, vượt đỉnh Pu Sâng cao vời vợi đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều bởi đã được nâng cấp và trải nhựa. Có lẽ vì vậy mà ông Lò Văn Chung, Chủ tịch UBND xã khi trò chuyện với chúng tôi, rất vui mừng: Trước đây, con đường từ Púng Bánh qua đỉnh Pu Sâng đến trung tâm xã chỉ là đường đất, đi lại khó khăn lắm, giao thương buôn bán của bà con rất hạn chế, kinh tế chủ yếu dựa vào trồng lúa, ngô, sắn, chăn nuôi nhỏ lẻ, đời sống đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú ở đây không được cải thiện nhiều... Bây giờ thì khác, chỉ tuyến đường từ Sốp Cộp đến trung tâm xã được hoàn thành, rút ngắn thời gian đi lại thôi mà diện mạo của xã đã đổi thay nhanh chóng.
Cũng qua ông Chung, chúng tôi nắm được xã Mường Lèo có diện tích tự nhiên hơn 38.000 ha, nhưng đất sản xuất nông nghiệp lại rất ít bởi độ dốc quá cao, địa hình chia cắt mạnh. Để phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền xã đã có nghị quyết, tập trung lãnh đạo bà con khai hoang ruộng nước, chuyển đổi đất nương sang trồng lúa nước, sử dụng các loại giống cây trồng năng suất cao, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt... Hiện giờ, xã đang duy trì thâm canh 15,3 ha lúa xuân; 108,6 ha lúa mùa; 460 ha nương định canh; 80 ha ngô; 120 ha sắn. Từ nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình 30a, 135, nông thôn mới... Mường Lèo vận động người dân chuyển đổi đất nương, dốc sang trồng 113 ha cây cam, sơn tra, xoài..., tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hơn 600 hộ vay trên 13 tỷ đồng vốn ưu đãi xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả; thường xuyên phối hợp với khuyến nông mở các lớp tập huấn cho bà con về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, trồng và chăm sóc cây ăn quả, chiết ghép, cải tạo vườn tạp...
Đối với các bản vùng cao, có nhiều phiêng bãi, xã vận động người dân phát triển chăn nuôi gia súc gắn với trồng cỏ; xây dựng các mô hình điểm để người dân tham quan, học hỏi như mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, mô hình chăn nuôi ngựa sinh sản...; cả xã hiện có 2.030 con trâu, 2.116 con bò, 97 con ngựa, 119 con dê và 1.569 con lợn trên 3 tháng tuổi. Đi qua các bản Huổi Phúc, Huổi Luông, Sam Quảng, Pá Khoang, Huổi Làn... đâu đâu cũng thấy từng đàn trâu, bò, dê, ngựa trên các đồng cỏ đã được quy hoạch, có rào chắn cẩn thận. Được hỏi, Trưởng bản Pá Khoang Sộng A Dua, phấn khởi: Cả 47 hộ trong bản đều nuôi trâu bò! Nhà nhiều 10 con, nhà ít cũng 1 - 2 con. Trước đây, người dân thường thả gia súc trong các phiêng bãi, không có điều kiện chăm nom, tiêm phòng nên hay gặp dịch bệnh, chết đói, chết rét. Nay được các cán bộ thú y xã hướng dẫn dựng lán ở các bãi chăn thả cho gia súc tránh rét, cách dự trữ thức ăn vào mùa đông, định kỳ tiêm vắc-xin phòng bệnh, nên gia súc trong bản béo tốt, ít bị bệnh và xuất chuồng nhanh hơn.
Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, điện đã được kéo về Mường Lèo; nhà nhà đều có điện thắp sáng, được xem truyền hình, các bản đều làm được đường bê-tông nội bản, có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng... hiện giờ, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 67%; trong số 12 bản thì chỉ 2 bản chưa có nhà văn hóa; độ dài đường nội bản được đổ bê-tông dài gần 6km...
Dù đã có những đổi thay, chuyển biến về cơ sở hạ tầng, song Mường Lèo vẫn đang nỗ lực, cố gắng vươn lên, tranh thủ tối đa sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, phát triển toàn diện, nhanh, bền vững kinh tế - xã hội địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!