Nậm Lạnh là xã vùng III, biên giới của huyện Sốp Cộp. Những năm qua, xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước giúp người dân vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống.
Cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng Sốp Cộp hướng dẫn nhân dân xã Nậm Lạnh
gieo ươm cây giống phục vụ công tác trồng rừng.
Ảnh: Ngọc Thuấn
Để thực hiện công tác giảm nghèo có hiệu quả, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã đã tích cực tuyên truyền để cán bộ, nhân dân nhận thức rõ và đúng về cơ chế chính sách giảm nghèo, từ đó, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo tự chủ, tự lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng. Đồng thời, thực hiện rà soát, phân loại hộ nghèo theo từng nguyên nhân để đề ra giải pháp giúp đỡ hiệu quả. Trong đó, ưu tiên người nghèo thuộc gia đình chính sách, người nghèo có ý chí thoát nghèo. Tiếp nhận và sử dụng hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng phân bổ đúng, kịp thời để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Vì Văn Định, Chủ tịch UBND xã thông tin: Xã đã xây dựng và thực hiện 3 giải pháp trọng tâm trong công tác xóa đói, giảm nghèo, gồm cải tạo, chuyển đổi vườn tạp thành các loại cây có giá trị kinh tế; phát triển các mô hình chăn nuôi; đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Xã cũng tiến hành rà soát, xác định rõ các tiểu vùng với địa hình, khí hậu và dân trí phù hợp để triển khai nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình 135, 30a... xây dựng các mô hình kinh tế để nhân dân học hỏi. Tại các bản vùng thấp, gần trung tâm xã, tập trung phát triển cây cam, quýt; các bản đồng bào dân tộc Mông vùng cao thì xây dựng các mô hình chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng. Đến nay, toàn xã chuyển đổi được 124 ha cây ăn quả, phát triển đàn gia súc trên 4.300 con. Cùng với phát triển kinh tế, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu của xã cũng được huyện quan tâm đầu tư, như: Tuyến đường liên xã Nậm Lạnh đi Dồm Cang, Nậm Lạnh đi Mường Và, nhà văn hóa bản Cang Kéo, Pá Vai; nhà lớp học bản Púng Tòng, bản Cang, công trình thuỷ lợi bản Nậm Lạnh...
Nông dân bản Lọng Tòng, xã Nậm Lạnh chăm sóc cây ăn quả có múi.
Đi qua các bản Lọng Tòng, bản Phổng, bản Mới, đâu đâu cũng thấy những vườn cam, quýt đang kỳ đậu quả. Anh Tòng Văn Tiên, Trưởng bản Lọng Tòng, cho biết: Trước đây, người dân trong bản chủ yếu trồng sắn, ngô, đời sống khó khăn. Được tuyên truyền, vận động về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, bà con đã chuyển sang trồng cam, quýt, cho thu nhập ổn định. Bản hiện có 20 ha cây ăn quả có múi, trong đó có 8 ha cho thu hoạch, sản lượng đạt gần 50 tấn quả. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 4,8%, thu nhập bình quân đầu người trong bản đạt 27 triệu đồng/năm.
Tìm hiểu được biết thêm, xã Nậm Lạnh đã và đang tích cực triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi với hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, tập trung cho hộ nghèo vay vốn từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, chăn nuôi thông qua các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác. Đến nay, toàn xã hơn 840 hộ được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng dư nợ trên 30 tỷ đồng. Để nguồn vốn có hiệu quả, xã thường xuyên kiểm tra, giám sát, đa số các hộ sử dụng vốn đúng mục đích, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu từ nguồn vốn ưu đãi.
Gia đình anh Lò Văn Manh, ở bản Mới, trước đây thuộc hộ nghèo do thiếu đất sản xuất, năm 2016, anh đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách mua 5 con dê, 1 con bò cái và trồng cỏ chăn nuôi. Anh Manh chia sẻ: Dê sinh sản nhanh, ít bệnh tật nên dễ nuôi, sau 1 năm, tôi có 12 con dê, nhưng gần đây giá dê không được ổn định, nên tôi chuyển sang đầu tư nuôi bò vỗ béo và bò sinh sản. Nhờ được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ voi nên sau 6 tháng đã có thể xuất bán, hằng năm thu nhập từ 60 đến 80 triệu đồng từ nuôi bò.
Với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống của người dân xã Nậm Lạnh đang ngày càng thay đổi, hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 19 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 48%, xã đang tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tập trung giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, triển khai các nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả, hướng tới giảm nghèo bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!