Cuối tháng 10 là thời điểm bà con xã Mường Và (Sốp Cộp) bắt đầu thu hoạch cam. Theo các hộ trồng cam trong xã, sản phẩm cam năm nay có chất lượng cao hơn những vụ trước, giá bán cũng cao hơn và được nhiều thương lái đến đặt mua sản phẩm tại vườn.
Nông dân bản Nà Mòn, xã Mường Và (Sốp Cộp) thu hoạch cam.
Đến gia đình ông Lò Văn Thịnh (bản Nà Mòn), một trong những hộ trồng cam đầu tiên của xã, chúng tôi thấy các thành viên trong gia đình đang tất bật công việc thu hoạch trong vườn cam, lựa chọn những quả vừa độ chín để đóng thùng cho kịp chuyến xe của thương lái tới thu mua. Ông Thịnh phấn khởi: Vườn cam nhà tôi rộng hơn 5.000 m². Vụ năm nay, do ứng dụng khoa học kỹ thuật mới theo tiêu chuẩn VietGAP; lại được sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, nhà tôi đầu tư hơn 40 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho vườn cam (gồm 1 bể chứa 7 m³ và hệ thống ống dẫn nước dài gần 3 km), nên cam được tưới đủ nước... ước tính thu hoạch 3,5-4 tấn quả, doanh thu khoảng 100 triệu đồng, trừ hết mọi chi phí tôi còn lãi khoảng 60 triệu đồng.
Rời vườn cam nhà ông Thịnh, đến vườn cam rộng hơn 3.000 m² của gia đình ông Vì Văn Diêm, Trưởng bản Nà Mòn, chúng tôi cũng thấy cả nhà đang khẩn trương thu hoạch quả. Ông Diêm bảo: Bản Nà Mòn có 78 hộ thì 30 hộ trồng gần 30 ha cam, hơn 12 ha đã cho thu hoạch. Nhờ được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cam, giới thiệu địa chỉ mua cây giống, phân bón chất lượng tốt, nên cam quả to, ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vụ này, năng suất cam của bản ước đạt 10 tấn/ha. Ngay từ đầu tháng 10, thương lái đã tìm đến các hộ dân đặt trước để thu mua cam. Năm nay thời tiết khô hạn, ít mưa, nên hầu hết các vườn cam đều giảm sản lượng từ 10 - 30%. Cũng may, cam năm nay lại được giá nhờ quả to, mẫu mã đẹp, lại ngọt, nên giá bán từ 32.000-35.000 đồng/kg. Hiện tại, cam đạt năng suất bình quân khoảng 10 tấn/ha, mang lại doanh thu cho bà con trên 300 triệu đồng/ha.
Theo thống kê, xã Mường Và hiện có 62,3 ha cam, trong đó hơn 20 ha đã cho thu hoạch, năng suất khoảng 8-10 tấn quả/ha, tập trung ở các bản: Nà Mòn, Nà Một, Nà Vèn. Mường Và trồng chủ yếu là giống cam địa phương và cam V2. Đây là những loại giống phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương. Trao đổi với chúng tôi về việc tìm đầu ra cho sản phẩm cam, ông Hoàng Văn Trung, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, sản phẩm cam của xã được tiêu thụ thông qua các thương lái nhỏ lẻ. Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, điều quan trọng là nâng cao chất lượng sản phẩm cam. Vì vậy, xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; vận động các hộ liên kết sản xuất theo quy trình VietGAP. Ngoài ra, xã còn tích cực đưa sản phẩm cam Mường Và đến các hội chợ thương mại do huyện tổ chức; đồng thời, đề nghị UBND huyện giúp đỡ việc thiết kế vỏ hộp đựng sản phẩm bắt mắt, nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam đến nhiều người tiêu dùng trong tỉnh.
Nông dân bản Nà Mòn thu hoạch cam.
Hiện tại, xã Mường Và có HTX Nông nghiệp Duy Lợi trồng cây ăn quả, chủ lực là cam, quy mô 8 ha theo tiêu chuẩn VietGAP, dự kiến đến năm 2020 sẽ được cấp chứng nhận. Bên cạnh đó, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước từ các nguồn vốn của chương trình mục tiêu giảm nghèo, nông thôn mới, người dân trong xã đã triển khai 4 mô hình trồng cam ứng dụng công nghệ tưới ẩm, với hơn 3 ha. Đây là những mô hình điểm để người dân trong xã học hỏi và ứng dụng rộng rãi vào thực tế sản xuất, qua đó nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Với giá cam ổn định như hiện nay, nông dân xã Mường Và sẽ có nguồn thu khá từ cây cam, là động lực để nhân dân trong xã tiếp tục đầu tư chăm sóc, mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cam Mường Và.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!