Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 17 về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm thực sự là tiêu chí khó đối với đồng bào các dân tộc xã Dồm Cang (Sốp Cộp). Song nhờ sự nỗ lực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, môi trường và cảnh quan của xã đã có nhiều thay đổi tích cực.
Công trình nhà tiêu hợp vệ sinh của gia đình anh Vì Văn Sươn, bản Pặt, xã Dồm Cang (Sốp Cộp).
Bởi xác định rõ tiêu chí này, không thể hoàn thành trong một sớm, một chiều, vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, gắn tiêu chí số 17 với các tiêu chí khác, nhất là tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn, tiêu chí 15 về y tế; phân công các tổ chức Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh gắn thực hiện tiêu chí môi trường với các phong trào xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, thanh niên xung kích tình nguyện vì cộng đồng; thành lập 5 tổ công tác phụ trách tuyên truyền, vận động nhân dân các bản qua các cuộc hội nghị, họp bản; tận dụng nguồn vốn các chương trình hỗ trợ như 30a, 135 xây dựng các công trình nước sạch; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 110 hộ dân vay hơn 1 tỷ đồng để bà con xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh...
Được sự giới thiệu của lãnh đạo xã, chúng tôi đến bản Pặt, một trong số các bản đi đầu trong thực hiện giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp. Điểm lạ là hầu hết các ngôi nhà sàn nơi đây, cạnh nhà sàn làm bằng gỗ đều xây thêm một gian bằng bê tông kiên cố. Nêu thắc mắc với trưởng bản Hà Văn Thin, ông cho hay, đó là nhà tiêu được người dân xây thêm thay thế nhà tiêu không hợp vệ sinh trước đây. Bản Pặt hiện có 151 hộ, thì 90 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh; 158 con trâu, bò của bản được nuôi trong chuồng kiên cố cách xa nhà ở. Anh Vì Văn Sươm (bản Pặt) vui vẻ: Được cán bộ tuyên truyền, vận động về cách giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo điều kiện làm các thủ tục để vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng bể chứa nước sạch và nhà tiêu, năm ngoái, tôi đã vay 10 triệu đồng xây nhà tiêu, nhà tắm và 1 bể chứa nước 3 m3...
Bên cạnh đó, xã cũng chú trọng việc tuyên truyền, vận động người dân thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Chuyển biến rõ rệt nhất là ở bản Men, dẫn chúng tôi ra thăm cánh đồng của bản, ông Lò Văn Hỏm, Trưởng bản Men khoe: Bản có gần 13 ha ruộng nước, cấy 2 vụ. Trước đây, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật xong luôn để ngay trên bờ ruộng, nếu đi khắp cánh đồng không khó để lượm được hàng trăm vỏ bao thuốc. Được sự chỉ đạo của xã, bản phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tuyên truyền tác hại của việc vứt bừa bãi vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn các biện pháp hạn chế bảo vệ thực vật hóa học, tổ chức thu gom vỏ bao thuốc đến các điểm xa khu dân cư và nguồn nước.
Cùng với các hoạt động tuyên truyền, vận động, xã Dồm Cang còn tổ chức các lớp tập huấn an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu gom và xử lý rác thải đúng quy định; các bản tổ chức dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh... Trao đổi thêm với ông Cầm Văn Đông, Chủ tịch UBND xã, được biết, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã được đầu tư 30 bể chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, trong năm 2019 sẽ triển khai lắp đặt. Hiện nay, 90% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; xây dựng 10 tuyến đường xanh - sạch - đẹp, hơn 54% số hộ có công trình vệ sinh đạt yêu cầu...
Những kết quả nêu trên đã làm thay đổi cảnh quan, môi trường xã Dồm Cang, thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức tự giác thực hiện của nhân dân, chung tay giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thu Hằng (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!