Nếp tan Mường Và là giống lúa đặc sản nổi tiếng của huyện Sốp Cộp, hạt to, tròn, trắng, khi xôi lên có độ dẻo thơm đặc trưng. Đặc biệt, được gieo cấy trên cánh đồng trung tâm xã Mường Và thì loại nếp này càng cho năng suất và chất lượng cao hơn.
Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất giống lúa nếp tan xã Mường Và (Sốp Cộp).
Ảnh: PV
Mường Và là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái, đây cũng là địa phương trồng lúa nếp tan lớn nhất huyện Sốp Cộp, với hơn 200 ha. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào từ dòng suối Nặm Ca, Nặm Sủ bắt nguồn từ những cánh rừng nguyên sinh chảy ra. Khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, mưa thuận gió hòa quanh năm, đã tạo nên hạt gạo nếp tan có chất lượng đặc trưng như vậy. Nói về giống lúa này, anh Lường Văn Thoan, cán bộ khuyến nông xã, thông tin: Nếp tan Mường Và có loại tan Hin, tan Nhe, tan Đỏ; được gieo cấy chủ yếu ở bản Mường Và, Cáp Ven, Huổi Ca và một số bản dọc suối Nặm Ca, Nặm Sủ, chiếm khoảng 90% diện tích ruộng của toàn xã, sản lượng hơn 800 tấn thóc/năm. Giống lúa này gieo cấy từ đầu tháng 6, sau 4-5 tháng sẽ cho thu hoạch. Quy trình trồng nếp tan đòi hỏi ruộng phải cày ải, bừa sâu sau 1-2 tháng mới gieo cấy; mạ phải cấy thưa, vì lúa sinh trưởng tốt, đẻ nhánh dày. Đặc biệt, từ khi trổ bông đến khi thu hoạch, cánh đồng luôn tỏa hương thơm đặc trưng của giống nếp tan. Năng suất từ 4,5-5 tấn/ha, nhưng tỷ lệ gạo lại cao hơn các loại thóc khác và giá trị cũng cao hơn.
Qua lời giới thiệu của cán bộ xã, chúng tôi tìm đến gia đình ông Lường Văn Phênh, bản Mường Và, có hơn 1 ha ruộng gieo cấy giống nếp tan Mường Và. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Phênh nói: Giống nếp tan này ở bản đã có từ lâu, mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ. Ðồng bào dân tộc Thái thường sử dụng đồ nếp trong bữa ăn hằng ngày, nên trước đây, nếp tan không thể thiếu trong mỗi gia đình, cả cánh đồng trung tâm xã Mường Và hơn 60 ha đều trồng loại lúa này. Nếp tan không chỉ phục vụ bữa ăn thường ngày mà còn để làm bánh, đồ lễ, quà biếu. Xôi đồ từ gạo nếp tan Mường Và bằng chõ gỗ trên bếp củi, để từ sáng đến tối vẫn giữ nguyên độ dẻo, vị ngon, không dính tay, hạt gạo có lớp dầu làm nên vị béo ngậy hấp dẫn. Hiện, nếp tan Mường Và được bán với giá 23-25 nghìn đồng/kg, cao hơn so với các loại lúa nếp khác trồng trong xã. Cứ đến vụ thu hoạch, các thương lái đến tận nhà nông dân để thu mua.
Nông dân xã Mường Và (Sốp Cộp) thu hoạch lúa nếp tan.
Năm 2018, lúa nếp tan Mường Và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu bảo hộ. Điều này có ý nghĩa quan trọng với người nông dân trồng lúa, đồng thời là cơ hội giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, huyện Sốp Cộp đã chọn sản phẩm nếp tan Mường Và là sản phẩm đặc trưng của huyện. Sản phẩm gạo nếp tan Mường Và còn được chọn là một trong 20 sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La trong năm 2019 và HTX Nông nghiệp Nam Phượng, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp được lựa chọn là đơn vị sản xuất. Ông Nguyễn Duy Phượng, Giám đốc HTX nông nghiệp Nam Phượng, cho biết: Hương vị nếp tan Mường Và thơm, dẻo rất đặc trưng, luôn được giá cao hơn so với trồng ở các địa phương khác. Loại gạo nếp này được tiêu thụ ổn định, ngay từ khi bước vào vụ lúa, chưa kịp thu hoạch đã có tư thương đến hỏi mua. Vào dịp cuối năm, Tết Nguyên đán, HTX dự kiến tiêu thụ khoảng hơn 10 tấn gạo nếp ra thị trường, với giá 15 triệu đồng/tấn. Hiện, HTX đang mở rộng liên kết, hỗ trợ bà con vật tư, kỹ thuật sản xuất đến bao tiêu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm gạo, đưa thương hiệu nếp tan Mường Và vươn xa hơn.
Với việc quan tâm quy hoạch vùng sản xuất, bao tiêu và xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa nếp tan Mường Và sẽ giúp người dân nơi đây nâng cao thu nhập. Tin tưởng thương hiệu nếp tan Mường Và sẽ tiếp tục vươn xa, là cơ sở để huyện Sốp Cộp tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất giống lúa đặc sản này.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!