Những năm qua, huyện Sốp Cộp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đưa các loại cây giống có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với từng điều kiện của địa phương; giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Mô hình trồng cam của người dân bản Cáp Ven, xã Mường Và.
Dồm Cang là một trong những xã làm tốt việc chuyển đổi diện tích đất trồng cây ngô, sắn và diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây cà phê. Ông Lò Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Dồm Cang, cho biết: Từ năm 2020 đến nay, xã đã chuyển đổi hơn 200 ha trồng ngô, sắn năng suất thấp sang trồng cà phê, cây có múi, xoài, ổi, mận, dứa nguyên liệu và trồng rừng kinh tế. Hiện, xã có 254 ha cà phê, trong đó, diện tích cho thu hoạch 180ha, với năng suất 10 tấn/ha; 196 ha cây ăn quả, với sản lượng hơn 2.260 tấn và trồng 55 ha cỏ làm thức ăn cho gia súc...
Gia đình anh Vì Văn Hỏm, bản Men, xã Dồm Cang, có 7.000 m² đất ruộng một vụ chuyển sang trồng gần 500 cây cam, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây phát triển tốt. Anh Hỏm chia sẻ: Tranh thủ lúc cây cam chưa khép tán, gia đình tôi trồng xen lạc và đỗ đen; mỗi năm cho thu hoạch hơn 1 tấn lạc và 4 tạ đỗ đen, cho thu nhập hơn 30 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa.
Còn gia đình anh Lò Văn Thái, ở bản Dồm, trước đây hơn 2 ha đất chủ yếu trồng sắn, đến nay, toàn bộ diện tích này đã được chuyển sang trồng các loại cây ăn quả. Ông Thái cho biết: Sau nhiều năm trồng sắn, đất đã bạc màu, gia đình đã chuyển sang trồng 350 cây xoài, 130 cây bưởi da xanh, 85 cây quýt, 50 cây cam và 150 cây chanh đào. Năm nay, xoài đã cho thu hoạch lứa đầu tiên với gần 10 tấn quả; dự kiến, bưởi da xanh cũng cho thu 1.000 quả, ước thu nhập khoảng hơn 100 triệu đồng, cao gấp hàng chục lần so với trồng sắn trước đây.
Ông Vì Văn Tâm, Trưởng bản Dồm, cho biết: Trong những năm gần đây, bà con đã chuyển đổi các diện tích trồng sắn sang trồng các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn; hiện, diện tích trồng sắn chỉ còn khoảng 20 ha. Từ năm 2020 đến nay, bản đã chuyển đổi 42 ha đất trồng sắn sang trồng 8 ha xoài, cam, bưởi; hơn 13 ha cây cà phê và 15 ha trồng cỏ làm thức ăn gia súc; hơn 6 ha trồng thông, xoan, dổi... Hiện, cả bản có hơn 20 ha cây ăn quả; hơn 30 ha cà phê; trong đó, hơn 20 ha đang cho thu hoạch, 15 ha cỏ làm thức ăn chăn nuôi. Nhờ đó, bà con đã có thu nhập cao, ổn định, nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ cách làm này.
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, huyện Sốp Cộp đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi đất trồng các loại cây hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây trồng mới cho năng suất, chất lượng cao; đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu, cây hàng năm, lâu năm. Trong 6 tháng đầu năm, huyện đã chuyển đổi gần 200 ha đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp và cây trồng lâu năm. Điển hình ở các xã Dồm Cang, Mường Lạn, Mường Và, Sốp Cộp, Nậm Lạnh... Hiện, toàn huyện trồng hơn 1.900 ha cây ăn quả, sản lượng đạt hơn 400 tấn; triển khai vùng nguyên liệu dứa trên diện tích đất trồng kém hiệu quả, với quy mô 70 ha tại các xã: Sốp Cộp, Dồm Cang, Mường Và, Mường Lạn; 458 ha cây cà phê, trong đó, diện tích cho thu hoạch là 296 ha, năng suất đạt 10 tấn/ha...
Ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, cho biết: Dựa vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng xã, huyện đã xây dựng kế hoạch, định hướng cho bà con chuyển đổi các loại cây trồng phù hợp. Các phòng chuyên môn của huyện hỗ trợ người dân về chuyển giao khoa học, kỹ thuật và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay. Đặc biệt, hướng dẫn người dân thâm canh, sản xuất theo chiều sâu, sản phẩm nông sản sạch, an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, toàn huyện đã có 40 ha cây ăn quả áp dụng VietGAP hoặc các tiêu chuẩn tương đương.
Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển cây trồng một cách hợp lý, huyện Sốp Cộp duy trì, nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả. Đồng thời, tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!