Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Sốp Cộp đã xảy ra 1 đợt rét đậm, rét hại, 5 đợt gió lốc, mưa đá, 6 đợt mưa lũ, làm 51 nhà ở bị sập, hư hỏng, 6 điểm trường bị tốc mái; 491 điểm sạt lở, hư hỏng đường tuần tra biên giới, đường liên xã, liên bản; lũ cuốn trôi 69 phai tạm, phai chắn lũ, 792 m kênh mương bị bồi lấp, hư hỏng... ước tính thiệt hại trên 12 tỷ đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân trong toàn huyện.
Diễn tập ứng phó lũ bão và tìm kiếm cứu nạn tại xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp).
Để hạn chế những thiệt hại của thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm, huyện Sốp Cộp đã chỉ đạo các xã, cơ quan, đơn vị trên địa bàn củng cố, kiện toàn ban chỉ huy PCTT&TKCN; chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”, với những công việc cụ thể, như: Tổ chức thực hiện tốt chỉ đạo của Trung ương, của địa phương về tăng cường công tác PCTT&TKCN; thực hiện nghiêm chế độ trực 24/24 theo quy định, tổng hợp báo cáo thông tin 2 chiều định kỳ, đột xuất theo tình hình thiệt hại của địa phương; tham gia tích cực các cuộc diễn tập, tập huấn về công tác PCTT&TKCN... Đồng thời, hướng dẫn các xã, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang trên địa bàn xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư tại chỗ, sẵn sàng ứng phó với thiên tai.
Với đặc thù địa hình đồi núi, độ dốc lớn và nhiều dòng suối, các xã trên địa bàn huyện đều có nguy cơ lũ quét, sạt lở, ngập lụt, đặc biệt là các bản thuộc hạ lưu các suối Nậm Ca, Nậm Lạnh, Nặm Ban thuộc các xã: Mường Và, Nậm Lạnh, Dồm Cang, Púng Bánh. Trước thực tế đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện và các xã đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình, đưa ra dự báo các vùng xung yếu có nguy cơ tiềm ẩn bị thiên tai để chủ động ứng phó. Đối với các khu vực xung yếu, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra thiên tai, các cơ quan chuyên môn đều tiến hành cắm biển cảnh báo cho người dân phòng tránh; lắp đặt hệ thống cảnh báo để kịp thời thông báo cho người dân khi xảy ra mưa lũ và sạt lở đất, đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc thông suốt... Tập trung chỉ đạo việc thực hiện chằng, chống nhà ở, trường học, các trạm phát thanh, an toàn hành lang lưới điện, hành lang giao thông, các công trình công cộng, khu dân cư... đảm bảo an toàn trong phòng, tránh thiệt hại do lốc, sét đánh, lũ lụt, sạt lở. Riêng đối với việc di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, huyện đã chỉ đạo các xã tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các vùng trọng điểm có dân sinh sống ở ven đồi, triền núi, ven suối khi có nguy cơ bị sạt lở, tuyên truyền, vận động người dân nhanh chóng di dời đến nơi an toàn.
Ông Lò Văn Việt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện cho biết: Đơn vị luôn cập nhật thông tin thiên tai trên địa bàn, thường xuyên báo cáo ban chỉ huy để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra. Chủ động phân công cán bộ đi cơ sở đôn đốc các địa phương, đơn vị kiểm tra an toàn các công trình thủy lợi, trước trong và sau bão lũ; phối hợp, đôn đốc các đơn vị liên quan hoàn thành việc tu sửa các công trình phòng chống lũ bão trước tháng 5 hằng năm. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động kế hoạch dự trữ giống, phân bón và các điều kiện vật tư cần thiết để phục hồi sản xuất sau thiên tai.
Chủ động xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và chuẩn bị chu đáo về lực lượng, phương tiện ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, là những biện pháp chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng của huyện Sốp Cộp đã và đang triển khai trong thời gian qua. Song, về phía người dân cũng cần phải chủ động trong việc ứng phó với những bất thường do thiên tai gây ra để công tác phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả cao nhất, góp phần quan trọng trong giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!