Cây trồng mới ở xã Sốp Cộp

Về xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp bây giờ, trên những nương đồi, ngoài màu xanh nhãn, xoài, cam, quýt... còn có thêm những vườn thanh long trĩu quả.

 

Mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ bản Co Pồng, xã Sốp Cộp (Sốp Cộp).

Ảnh: P.V

 

Cách đây 3 năm, anh Hà Văn Hùng, bản Co Pồng đem 6 cây thanh long ruột đỏ được gia đình đem giống từ Sông Mã về trồng thử tại vườn nhà. Chắc do hợp đất, thanh long nhà anh quả to, ruột đỏ, vị ngọt, mát. Vậy là anh Hùng nhân rộng mô hình ra hơn 100 gốc trồng trên 1.000 m2 nương sắn trước đây. Dẫn chúng tôi ra thăm vườn thanh long đang cho ra kỳ quả thứ 2 trong vụ, anh khoe: Trồng giống cây này, chỉ cần đầu tư cột, phân bón, giống tốt; việc chăm sóc cũng tương đối đơn giản. Năm 2016, tôi đầu tư 100 cột bê tông (trị giá gần 10 triệu đồng), mua 7 tấn phân chuồng ủ và bón cho đất rồi trồng 100 gốc thanh long. Ngày đó, vì chưa có kinh nghiệm nên thanh long bị chết 1/3 số cây, tôi phải ra Mai Sơn, Sông Mã để học hỏi thêm kỹ thuật chăm sóc, trị bệnh cho cây. Bây giờ thì khác, tháng 7 vừa rồi, nhà tôi thu hơn 4 tạ quả, ước tính từ nay đến hết kỳ thu hoạch sẽ được khoảng 6 tạ quả nữa. Thương lái vào tận nơi thu mua với giá từ 20.000 đến 40.000 đồng/kg tùy loại. Tôi đang ươm 250 cây giống để mở rộng thêm 2.000 m2 nữa.

Chia sẻ cách làm với bà con trong bản nhằm nhân rộng mô hình trồng thanh long, anh Hùng tự nguyện cung cấp giống cho những người có nhu cầu. Tiếng lành đồn xa, các hộ dân từ các bản khác cũng về mua giống và học hỏi kinh nghiệm trồng thanh long. Hiện, trên địa bàn xã có hơn 2 ha thanh long ruột đỏ tập trung ở các bản Co Pồng và Huổi Khăng. Các HTX nông nghiệp trên địa bàn cũng triển khai trồng thanh long ruột đỏ quy mô lớn, như: HTX Nông nghiệp Nậm Ban trồng mới gần 1 ha.

Anh Hùng đưa chúng tôi ra vườn thanh long gần 7 tháng tuổi, chuẩn bị bói quả của gia đình anh Tòng Văn Thiêm (bản Huổi Khăng), một trong những hộ phát triển nhiều thanh long nhất xã với hơn 5.000 m2. Tại đây, anh Thiêm cho hay, khâu chuẩn bị trồng thanh long là vất vả và tốn kém nhất. Nếu thuê đổ cột xi măng cao 1,8 đến 2 mét, cạnh vuông 12 cm thì giá khoảng 110 nghìn đồng/chiếc, còn nếu là tự đổ, chỉ mua sắt thép thì mất khoảng 70 - 80 nghìn đồng/chiếc. Cột được chôn sâu xuống đất từ 50 đến 60 cm, nếu cẩn thận thì có thể đổ bê tông ở chân cột cho phần thân cột thêm chắc chắn, khi thanh long phát triển mạnh, ra nhiều quả, cột sẽ không bị đổ, gẫy. Chăm sóc cây ở giai đoạn đầu cũng cần tỷ mỷ, không được tưới nước trực tiếp lên gốc, nếu không cây dễ bị thối gốc, hoặc mắc bệnh đốm trắng. Việc cắt tỉa cũng phải đúng thời điểm để cây nuôi quả.

Trao đổi với chị Lường Thị Toán, cán bộ khuyến nông xã Sốp Cộp được biết: So với các cây trồng khác trên địa bàn, cây thanh long ruột đỏ rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với các loại cây nông nghiệp khác. Thời gian thu hoạch của thanh long dài bắt đầu từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 11, cứ cách từ 15 đến 20 ngày sẽ được thu hoạch 1 đợt, mỗi năm thu từ 7 đến 10 đợt. Vì thế thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm, tạo thị trường ổn định, giúp sản phẩm không bị mất giá.

Dù diện tích trồng thanh long ruột đỏ còn khiêm tốn, song mô hình trồng thanh long ruột đỏ rất có triển vọng trên địa bàn xã Sốp Cộp. Đây sẽ là hướng đi mới giúp bà con thay đổi tư duy canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả, bền vững.

Thu Hằng (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới