Cây cà phê đã có mặt ở Dồm Cang (Sốp Cộp) những năm 90 của thế kỷ trước. Trải qua thời gian, cây cà phê đã và đang góp phần giúp bà con xã Dồm Cang xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, ổn định đời sống.
Nông dân bản Pặt, xã Dồm Cang (Sốp Cộp) thu hoạch cà phê.
Dồm Cang có diện tích cà phê nhiều nhất huyện, với trên 153 ha (113 ha đang cho sản phẩm), chủ yếu là giống Arabica (cà phê chè), rất phù hợp với loại đất đỏ bazan, khả năng chịu hạn tốt, năng suất cao. Để cây cà phê trở thành loại cây công nghiệp chủ lực của xã, Dồm Cang tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cà phê; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê; phối hợp với các Ngân hàng để bà con được tiếp cận nguồn vốn vay, nhất là các nguồn vốn vay ưu đãi.
Trên những nương đồi cà phê của bản Nà Pháy, thời điểm này, các hộ dân trong bản đều lên nương thu hoạch cà phê. Chị Tòng Thị Hiêng cho chúng tôi hay, nhà chị có 3.000 m2 trồng cà phê từ năm 2011. Trước đây, cà phê không được giá nên gia đình không quan tâm, đầu tư chăm sóc. Những năm gần đây, cà phê có giá, lại được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách chăm sóc để đạt sản lượng cao, chất lượng hạt tốt hơn, nhà chị đã cải tạo lại nương cà phê, chuyển đổi thêm 1.000 m2 đất trồng sắn sang trồng cà phê. Vụ vừa rồi, gia đình chị thu 5 tấn quả tươi, thu 30 triệu đồng.
Theo giới thiệu của lãnh đạo xã, chúng tôi tới bản Pặt, nơi có diện tích cà phê lớn nhất xã, Trưởng bản Hà Văn Thin cho biết, bản có 151 hộ thì hầu hết đều trồng cà phê, hộ ít thì có vài nghìn mét vuông, hộ nhiều đến gần 2 ha; bản hiện có gần 90 ha cà phê, trong đó 82 ha đang cho thu hoạch. Đến thăm gia đình ông Vì Văn Ngoãn, người có nhiều năm kinh nghiệm trồng và thu mua cà phê trên địa bàn, ông chia sẻ: Học tập kinh nghiệm ở huyện Mai Sơn, Thành phố, gia đình tôi trồng 2 ha cây cà phê xen với cây nhãn từ những năm 2010. Trồng xen có hiệu quả giúp cây cà phê hạn chế bị chết do sương muối lại tận dụng được diện tích đất. Năm ngoái, gia đình tôi thu 22 tấn quả tươi, trị giá 130 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn thu mua cà phê và sơ chế hơn 440 tấn quả tươi cho bà con trong vùng. Tôi cũng tìm tòi nghiên cứu qua sách báo cách xử lý rác thải cà phê sau sơ chế bằng cách thu gom vỏ và ủ bằng các chế phẩm sinh học, sau đó dùng làm phân bón cho vườn cây, tiết kiệm được tiền mua phân bón.
Được biết, để xử lý chất thải sau khi sơ chế cà phê, xã Dồm Cang vận động bà con tự thu gom vỏ cà phê, ủ và dùng bón cho cây trồng; phối hợp với cán bộ khuyến nông huyện chuyển giao kỹ thuật, tư vấn hướng dẫn sử dụng các loại men ủ phù hợp. Để phát triển cây cà phê, xã Dồm Cang đang tập trung phối hợp với các đơn vị chức năng chuyển giao tới bà con kỹ thuật thâm canh, sơ chế và bảo quản cà phê; liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Thu Hằng (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!