Nhiều năm nay, tình trạng phá rừng làm nương ở bản Ten Lán, xã Sam Kha (Sốp Cộp) diễn ra khá phức tạp, hơn 27 ha rừng bị tàn phá. Điều đáng nói là trong khi cơ quan chức năng đang điều tra, xử lý vi phạm, thì người dân vẫn tiếp tục canh tác trên diện tích rừng đã phá khiến công tác xác minh gặp nhiều khó khăn.
Diện tích rừng bị chặt phá để làm nương tại bản Ten Lán.
Sau 1 tiếng đồng hồ vượt 15 cây số đường rừng từ trung tâm xã Sam Kha, mới đến bản Ten Lán, cả bản có 55 hộ. Chúng tôi lên bản xuất phát từ lá đơn ngày 4/4/2017 của Ban quản lý bản Ten Lán kiến nghị lên cấp ủy, chính quyền xã Sam Kha, xin chuyển đổi đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp, để nhân dân trong bản có đất sản xuất thuộc khu Huổi Sút, Trông Se, Hát Chó (tên gọi theo địa danh của bản). Xét đơn của bản Ten Lán, UBND xã Sam Kha đã kiến nghị với Hạt Kiểm lâm huyện Sốp Cộp, nhưng không được chấp thuận bởi khu vực bản kiến nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đã thành rừng tái sinh. Đến ngày 10/10/2017, Ban quản lý bản tiếp tục gửi đơn đề nghị với cấp ủy, chính quyền xã Sam Kha chuyển đổi diện tích đất lâm nghiệp ở khu Pa Dạ, Huổi Sút thành đất nông nghiệp phục vụ sản xuất năm 2018, vì tất cả đất sản xuất ở khu Trung Se, đầu nguồn Huổi Sút, suối Nhịa Mua đã bạc màu.
Tiếp nhận đơn của bản, UBND xã đã thành lập tổ công tác phối hợp với Ban quản lý bản để kiểm tra thực địa khu Pa Dạ, Huổi Sút. Qua đối chiếu bản đồ thì khu Pa Dạ thuộc tiểu khu 632, tại thời điểm kiểm tra có rừng trạng thái Ic và IIa, do đó tổ công tác đề nghị Ban quản lý bản tuyên truyền, vận động bà con không phá rừng làm nương ở khu Pa Dạ và Huổi Sút. Tuy nhiên, đến tháng 2/2018, khu rừng trên đã bị nhân dân bản Ten Lán phá để làm nương, diện tích này thuộc khu rừng phòng hộ đã được giao cho bản quản lý. Trao đổi vấn đề này với Hạt Kiểm lâm huyện Sốp Cộp, ông Ngô Văn Độ, Hạt trưởng nói: thời điển ban quản lý bản kiến nghị chuyển đổi một số khu đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp, các khu rừng tái sinh chưa bị chặt phá, UBND xã Sam Kha đã xin ý kiến của Hạt và chúng tôi đã cho cán bộ đến kiểm tra, đo đạc, tuy nằm trong khu sản xuất của bản (vẫn thuộc đất lâm nghiệp) và đã thành rừng tái sinh. Xã đã đề nghị nhân dân không sử dụng khu vực này để sản xuất. Hạt đã cử cán bộ lên bản tuyên truyền, vận động và phối hợp xử lý, nhưng người dân vẫn cố tình phá rừng để làm nương.
Tổ công tác liên ngành làm việc với ban quản lý bản và nhân dân bản Ten Lán, xã Sam Kha (Sốp Cộp).
Sau khi phát hiện rừng bị phá, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với xã và bản đến thực địa kiểm tra diện tích bị phá. Qua nhiều lần thuyết phục, Ban quản lý bản đã cùng tổ công tác của Hạt Kiểm lâm huyện đi kiểm tra (từ ngày 28/2 đến 3/4/2018). Sau khi kiểm đếm, đã có 13 đám nương (theo số liệu của Tổ công tác xã là 12 đám) với tổng diện tích 174.623 m2, trạng thái rừng từ Ic đến IIa, chủ rừng là cộng đồng bản Ten Lán, thuộc tiểu khu 632 theo bản đồ kiểm kê rừng năm 2015. Do không xác định được ranh giới nương của từng hộ, Ban quản lý bản cho rằng 13 đám nương đó là do 41 hộ dân cùng đi phá. Đến ngày 18/4, Hạt Kiểm lâm huyện tiếp tục phối hợp với xã đến bản để tuyên truyền các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng và đề ra kế hoạch kiểm tra các hộ dân phá rừng. Nhưng các hộ dân ở bản không ai nhận đã phá rừng.
Nhận thấy tính phức tạp của sự việc, ngày 17/7, Tổ công tác của UBND huyện Sốp Cộp đi kiểm tra, xác minh. Tiếp đó, ngày 18/7, Hạt Kiểm lâm và Công an huyện phối hợp với xã đến làm việc, Trưởng bản là ông Giàng Chống Ly cho biết thực tế là 49 hộ phá rừng làm nương, chứ không phải 41 hộ như đã nói ở trên. Ngày 10/9, Tổ công tác liên ngành của huyện tiếp tục vào làm việc với bản, nhưng cũng không cá nhân nào thừa nhận phá rừng làm nương.
Sau buổi làm việc với dân, một số người dân đồng ý dẫn chúng tôi đi thực địa khu rừng bị phá cách bản khoảng 5 km. Ngược con đường vào rừng, nhiều cánh rừng đã bị phá để trồng lúa. 13 đám nương rải rác trên những dãy núi, lúa đã lên cao tầm 60 cm. Tiếp giáp với những đám nương đó vẫn còn nhiều cây rừng đã mọc cao từ 5-10m. Tại hiện trường, vẫn còn sót lại vết tích của các cây to bị chặt xen lẫn trong đám nương lúa. Những cây gỗ to không biết vận chuyển đi đâu? những cây nhỏ thì người dân vừa dùng làm hàng rào, vừa làm kè chắn để tránh sạt đất nương lúa. Tổ công tác tiếp tục vận động người dân phối hợp để xác định chủ nương, nhưng không ai chịu nhận.
Những gốc cây bị chặt xen lẫn trong nương lúa.
Nói về công tác xử lý những đối tượng phá rừng làm nương, ông Ngô Văn Độ khẳng định, Hạt Kiểm lâm huyện vẫn quyết tâm xử lý để tránh thành tiền lệ xấu. Tuy nhiên, công tác xác minh đối tượng gặp rất nhiều khó khăn. Hạt sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra và xử lý trong thời gian sớm nhất. Trao đổi với lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lương Ngọc Hoan, Chi cục trưởng cho biết: Chi cục sẽ kiểm tra lại trạng thái rừng và toàn bộ diện tích đất khu vực này. Nếu có vi phạm thì sẽ xử lý theo quy định.
Tìm hiểu thêm được biết, năm 2017, Hạt Kiểm lâm huyện Sốp Cộp đã dự kiến đưa 20 ha đất trống trong diện tích rừng do chi đoàn bản quản lý để đề xuất chuyển đổi sang đất nông nghiệp cho dân bản canh tác. Tháng 5/2018 được phê duyệt, nhưng người dân lại không canh tác trên diện tích đó với lý do là đất bạc màu. Trước nguy cơ những cánh rừng còn lại bị tàn phá, bên cạnh việc xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng; cấp ủy, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tìm hướng sản xuất phù hợp để người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!