Sông Mã tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Huyện Sông Mã có 41 trường mầm non, tiểu học, tiểu học & trung học cơ sở thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Sau 5 năm triển khai, đã đạt được những kết quả tích cực.

 

Một giờ học tăng cường tiếng Việt cho học sinh Trường Tiểu học Bình Minh, xã Mường Hung (Sông Mã).

 

Hằng năm, Phòng GD&ĐT huyện Sông Mã đã tăng cường đầu tư, mua sắm trang thiết bị giáo dục ưu tiên bổ sung cho các trường vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng năng lực cho giáo viên tiểu học về phương pháp, kỹ năng tổ chức hoạt động dạy học để tăng cường tiếng Việt; đưa chỉ tiêu tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng DTTS vào chương trình, kế hoạch phát triển năm học và là một trong các tiêu chí để bình xét, đánh giá, xếp loại các tổ chức, đoàn thể, đơn vị theo định kỳ. Đồng thời, tổ chức lồng ghép xây dựng các chuyên đề phù hợp với từng nhóm lớp, từng độ tuổi và từng địa phương. Đối với các nhà trường trang bị đầy đủ tài liệu tăng cường tiếng Việt của Bộ GD&ĐT cho trẻ, giáo viên các nhóm lớp xây dựng “Góc tiếng Việt”, “Góc địa phương” tại trường, lớp mầm non hoặc “Thư viện xanh” tại trường tiểu học nhằm tạo môi trường để trẻ em được khám phá, trải nghiệm và trau dồi vốn tiếng Việt; khuyến khích trẻ em giao tiếp, tương tác bằng tiếng Việt theo các chủ đề “Tiếng Việt của chúng em”, “Câu lạc bộ nói, viết bằng tiếng Việt” nhằm giúp cho trẻ em tự tin trong giao tiếp bằng tiếng Việt. Triển khai có hiệu quả phần mềm dạy học tiếng Việt phù hợp với các nhóm, lớp, điểm trường mầm non, tiểu học thuộc xã khó khăn, đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, huy động nguồn lực từ các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho trường mầm non, tiểu học có đông trẻ DTTS. Phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng mở 48 lớp xóa mù chữ cho các bậc phụ huynh học sinh người DTTS chưa biết, chưa nói được tiếng Việt. Sau 5 năm, đến nay, 90% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo được huy động ra lớp; 357/357 nhóm lớp bậc mầm non tổ chức hiệu quả việc lồng ghép tăng cường tiếng Việt cho trẻ trong mọi hoạt động; trên 1.300 giáo viên có chứng chỉ tiếng dân tộc; 100% giáo viên tiểu học, mầm non đều sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, thiết kế các bài giảng, tạo các trò chơi trên máy tính để thu hút trẻ tham gia.

 

Đến thăm Trường Mầm non Bình Minh xã Mường Hung, nhận thấy các hình ảnh chữ viết được trang trí tại các hành lang, trong lớp học, ký hiệu đồ chơi, ký hiệu đồ dùng cá nhân của trẻ, tận dụng các mảng tường để cho trẻ làm quen chữ cái tiếng Việt. Cô Trần Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh, cho biết: Thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số”, các năm học, nhà trường có trên 98% trẻ nghe hiểu lời nói của người khác khi sử dụng tiếng Việt; 95% trẻ mạnh dạn, tự tin hơn, giao tiếp bằng tiếng Việt; 100% giáo viên nắm vững nội dung và biết vận dụng các phương pháp nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS.

 

Thời gian tới, ngành GD-ĐT huyện Sông Mã sẽ tiếp tục đầu tư học liệu, đồ dùng, đồ chơi và xây dựng môi trường tiếng Việt cho trẻ em DTTS phù hợp với điều kiện thực tiễn từng nhà trường; phát triển năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, nhất là đội ngũ giáo viên dạy học ở vùng đồng bào DTTS; tiếp tục thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy động các nguồn lực để hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS... góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS trên địa bàn huyện.

 

Hoàng Ánh Thêu (Trường Chính trị tỉnh)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới