Những năm qua, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản ở Sông Mã từng bước đi vào nền nếp, các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản chấp hành đúng các quy định của pháp luật, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sông Mã kiểm tra việc sử dụng mỏ nguyên liệu tại Nhà máy gạch Quyết Tiến Sông Mã.
Nhà máy gạch Quyết Tiến Sông Mã, ở xã Nà Nghịu được cấp phép thăm dò khoáng sản, đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch nung theo Giấy phép số 2569/GP-UBND ngày 31/10/2016 của UBND tỉnh với vùng nguyên liệu nằm ngay tại mặt bằng nhà máy với diện tích hơn 8 ha, thời hạn thuê 18 năm. Những năm qua, hoạt động sản xuất của nhà máy tuân thủ đúng quy định của pháp luật về khai thác tài nguyên khoáng sản, đảm bảo các quy định của pháp luật về môi trường.
Ông Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Nhà máy cho biết: Nhà máy đang sản xuất xuất khoảng 20 triệu viên gạch/năm để cung cấp cho thị trường huyện Sông Mã và Sốp Cộp, Nhà máy đóng bảo hiểm thường xuyên cho 50 công nhân, thực hiện đầy đủ việc nộp thuế vào ngân sách Nhà nước với tổng số tiền thuế từ năm 2018 - 2020 là gần 2 tỷ đồng.
Những năm trước, trên địa bàn huyện Sông Mã có tình trạng khai thác cát trái phép, tập trung ở các xã: Nà Nghịu, Chiềng Khoong, Chiềng Cang, Chiềng Khương và thị trấn. Ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, ngoài tuyên truyền, phổ biến pháp luật, UBND huyện Sông Mã chỉ đạo chính quyền các địa phương nơi có các mỏ cát tổ chức cho nhân dân ký cam kết không tham gia và tiếp tay cho hoạt động khai thác trái phép; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình thăm dò, khai thác khoáng sản và công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản của các xã. Trong năm 2020 và quý II năm 2021, đã kiểm tra, xử lý 123 trường hợp vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp vào ngân sách Nhà nước gần 300 triệu đồng; tịch thu hơn 4.170 m³ cát và 1 tàu hút cát tự chế cùng các phương tiện, thiết bị của một số cá nhân, hộ gia đình trong hoạt động khai thác cát trái phép.
Đối với việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, huyện Sông Mã tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền cơ sở và người dân. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn triển khai rà soát, kiểm tra việc sử dụng đất đai của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Tăng cường kiểm tra, truy quét và xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Ban hành các văn bản chỉ đạo, kiểm tra xử lý đối với các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, san lấp đất ruộng trái phép; đổ đất, đá, vật liệu xây dựng lấn sông, suối trái phép; các trường hợp tự ý san lấp, xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp. Trong năm 2020 và quý II năm 2021 đã phát hiện, xử lý 63 hộ dân trên địa bàn các xã về hành vi vi phạm chuyển nhượng đất ruộng trái phép với tổng diện tích vi phạm 3,8 ha; đồng thời yêu cầu các gia đình, cá nhân chấm dứt hành vi vi phạm và buộc khôi phục lại hiện trạng của đất như ban đầu.
Đồng chí Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết: Để sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tăng thu ngân sách cho địa phương, huyện Sông Mã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp kiểm tra, ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý khai thác khoáng sản tại địa phương. Thiết lập cơ chế phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các phòng, ban cấp huyện đến cấp xã, các lực lượng đóng quân trên địa bàn trong quá trình tham gia phối hợp bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.
Sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành chức năng, chính quyền địa phương, hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng, hạn chế tác động xấu đến môi trường, góp phần tăng thu ngân sách của địa phương, thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện ngày càng phát triển ổn định.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!