Những năm gần đây, nông dân huyện Sông Mã đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn đồi. Những vườn cây cằn cỗi lâu năm được cải tạo, lai ghép đã và đang mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể. Đời sống của người dân được cải thiện, nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Nông dân xã Nà Nghịu (Sông Mã) chăm sóc cây ăn quả.
Thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020 của tỉnh, huyện Sông Mã đã chuyển đổi hơn 7.700 ha ngô, cây lương thực ngắn ngày trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Đến nay, toàn huyện có khoảng 9.100 ha cây ăn quả gồm trên 7.000 ha nhãn, 1.220 ha xoài, hơn 800 ha cây ăn quả khác. Phát triển trồng cây ăn quả ở Sông Mã không thể không kể đến cây nhãn lồng Hưng Yên, đã được trồng tại Sông Mã từ những năm 1963 với diện tích lớn, tập trung ở các xã vùng dọc Sông Mã từ xã Chiềng Khương đến xã Yên Hưng. Tuy nhiên, do giống bị thoái hóa, tỷ lệ vườn tạp nhiều nên hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao. Những năm gần đây, nhờ tiếp cận được tiến bộ kỹ thuật, nhiều hộ nông dân đã tích cực thực hiện cải tạo vườn tạp hiện có bằng cách bỏ những loại cây còi cọc, thoái hóa để thay vào một số giống mới cho năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, người dân cũng đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, chăm sóc đúng kỹ thuật, thu hoạch đúng độ chín, bước đầu nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nông dân xã Nà Nghịu (Sông Mã) chăm sóc cây ăn quả
Với định hướng tập trung cải tạo vườn cây ăn quả, UBND huyện Sông Mã đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học ghép cải tạo giống nhãn chín muộn: THM-1 (Quốc Oai-Hà Tây); PHM 99-11 và Hương Chi (Hưng Yên) tại các xã Nà Nghịu, Chiềng Khoong, Chiềng Cang. Các mô hình trên đã đem lại kết quả rõ rệt, hiện đã được nhân rộng trên địa bàn các xã Chiềng Khương, Chiềng Cang, Mường Hung, Chiềng Khoong, Nà Nghịu, Yên Hưng, Chiềng Sơ... với diện tích trên 600 ha, năng suất đạt 15 tấn/ha. So với năng suất của các giống nhãn cũ tăng 6-8 tấn/ha. Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là quả tươi khoảng 70% tổng sản lượng, còn lại là sản lượng chế biến long nhãn bằng lò sấy nguyên liệu thủ công. Bên cạnh đó, để thực hiện rải vụ, giảm áp lực sản lượng nhãn tiêu thụ trong vụ thu hoạch chính, trên địa bàn huyện Sông Mã đang triển khai thử nghiệm giống nhãn chín sớm T6 và áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp điều chỉnh cho nhãn ra trái vụ với diện tích trên 10 ha tại 3 HTX Thành Công, HTX Bảo Minh, HTX nhãn chín sớm Bảo Dương và một số hộ gia đình. Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, các mô hình bước đầu đem lại hiệu quả cao.
Xã Nà Nghịu hiện đứng đầu huyện về diện tích vườn cây ăn quả với khoảng 1.142 ha, bao gồm những loại cây trồng chủ lực, như: Nhãn, xoài. Đến thăm gia đình ông Nguyễn Duy Đông, bản Quyết Tiến, xã Nà Nghịu, một trong những gia đình đi đầu trong việc cải tạo vườn cây lâu năm. Sau khi cải tạo diện tích vườn tạp, gia đình ông Đông đã trồng mới, lai ghép hơn 40 gốc nhãn chín sớm T6 và duy trì chăm sóc gần 2 ha nhãn ghép. Từ khâu chọn mua cây đến chăm bón, phòng trừ sâu bệnh... đều áp dụng đúng kỹ thuật, vì thế cây sinh trưởng tốt, cho quả to và ngọt. Ông Đông cho biết: Vụ nhãn năm ngoái, gia đình tôi thu trên 18 tấn, lãi hơn 300 triệu đồng. Năm nay năng suất nhãn bị giảm do bị hạn hán nhưng nếu giá cả ổn định, thì loại cây này vẫn cho gia đình thu nhập đáng kể.
Phát triển kinh tế vườn đồi của huyện Sông Mã đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của nông dân, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập khá, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần phát triển và ổn định kinh tế, xã hội ở địa phương. Huyện Sông Mã cần tiếp tục hỗ trợ đầu tư, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân cải tạo vườn cây ăn quả chất lượng, đa dạng chủng loại, ổn định đầu ra; tập trung đầu tư, quy hoạch phát triển vùng cây ăn quả hàng hóa; khuyến khích, tạo điều kiện mở rộng và nhân rộng các mô hình kinh tế vườn có hiệu quả trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!