Những năm qua, huyện Sông Mã đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành chính trong sản xuất nông nghiệp, giúp nhân dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng ở xã Chiềng Khương (Sông Mã).
Theo thống kê, huyện Sông Mã hiện có trên 165.000 con gia súc và gần 1 triệu con gia cầm. Để duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định, đảm bảo nguồn thực phẩm, giống vật nuôi tại chỗ, huyện Sông Mã đã chỉ đạo xây dựng các mô hình phát triển chăn nuôi, thực hiện các chương trình hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đã thực hiện tốt việc nhận ủy thác với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi từ hình thức chăn thả đàn gia súc sang nuôi nhốt, gắn với trồng cỏ; mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi trao đổi kinh nghiệm; định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tận dụng đất đai, thâm canh tăng vụ để tăng thêm nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sông Mã được biết, Trung tâm thường xuyên phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nguy cơ lây nhiễm các loại dịch bệnh, cách nhận biết và phòng chống các loại dịch bệnh trên vật nuôi; chủ động nguồn vắc-xin phòng dịch; tập huấn cho cán bộ chăn nuôi và thú y các xã, thị trấn thực hiện tiêm phòng đúng quy định; tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc trên địa bàn, chú ý theo dõi các loại dịch bệnh, đặc biệt là diễn biến bệnh dịch tả lợn châu Phi; phân công cán bộ chăn nuôi và thú y huyện phụ trách từng địa bàn kiểm dịch đàn gia súc và tăng cường kiểm soát các cơ sở giết mổ; hướng dẫn đội ngũ cán bộ chăn nuôi và thú y các xã, thị trấn các biện pháp phòng chống dịch bệnh; khuyến cáo người dân khi có gia súc, gia cầm ốm, không được bán hoặc giết mổ, mà phải báo ngay chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh dịch bệnh lay lan ra diện rộng. Năm 2019 và những tháng đầu năm nay, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với các xã triển khai tiêm hơn 138.400 liều vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng, bệnh lở mồm long móng và bệnh bệnh ung khí thán trâu, bò; gần 13.870 liều vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn; trên 18.000 liều vắc-xin phòng bệnh dại ở chó; triển khai phun 8.620 lít hoá chất Bencocid vệ sinh tiêu độc khử trùng tại 19 xã, thị trấn; đặt 352 biển thông báo cấm vận chuyển, mua bán, giết mổ và sản phẩm gia súc không rõ nguồn gốc tại 352 bản thuộc các xã trên địa bàn huyện. Huy động trên 20.000 lượt người tham gia vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, các cơ sở giết mổ, chợ buôn bán, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, nơi công cộng, đường bản, tiểu khu; kiểm soát giết mổ trên 400 con trâu, bò, ngựa; hơn 7.000 con lợn; 773 con chó, dê; trên 7.500 con gia cầm. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp triển khai 123 lớp tập huấn cho 4.576 lượt chủ hộ chăn nuôi ở 19 xã, thị trấn về chăm sóc, phòng chống đói, rét cho vật nuôi; kỹ thuật làm chuồng trại cho gia súc; hướng dẫn nhân dân ủ chua thức ăn cho trâu, bò; hướng dẫn thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Tổ chức ký cam kết thực hiện “5 không” đối với tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn tại 19 xã, thị trấn với các nội dung: “Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ lợn chết; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt; không vứt lợn chết ra môi trường”. Triển khai chương trình thụ tinh nhân tạo bò được 120 con tại các xã: Nà Nghịu, Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Mường Hung, Chiềng Khương, thị trấn; mô hình nuôi 68 con bò sinh sản, 30 hộ tham gia tại 7 xã: Mường Sai, Huổi Một, Chiềng Phung, Bó Sinh, Pú Bẩu, Nậm Mằn, Chiềng Sơ; mô hình nuôi gà thịt tại bản Púng Núa (Đứa Mòn) quy mô 2.400 con; mô hình nuôi gà thả vườn tại bản Ten (Chiềng En) quy mô 600 con; mô hình nuôi vịt thịt trên nền đệm lót sinh học, quy mô 500 con tại bản Trại Giống (Nà Nghịu).
Với việc đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, cùng với sự tích cực, chủ động của người dân, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Sông Mã được duy trì và phát triển tốt, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!