Để nâng cao hiệu quả kinh tế, huyện Sông Mã đã và đang nỗ lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với nâng cao thu nhập theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Mô hình nhãn trái vụ của người dân bản H8, xã Mường Hung (Sông Mã) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để thực hiện nhiệm vụ đề ra, ngày 24/6/2016, Huyện ủy Sông Mã đã ban hành Nghị quyết số 09 về tăng cường lãnh đạo việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với nâng cao thu nhập theo quan điểm sản xuất hàng hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020. Sau 4 năm triển khai, Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, người dân đã phát triển các loại vật nuôi chủ lực, cây ăn quả có lợi thế, diện tích cây ngắn ngày kém hiệu quả giảm mạnh, thu nhập bình quân đầu người tăng cao hơn năm trước... Có được kết quả đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam huyện đã quan tâm ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc; thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...
Trên lĩnh vực cây trồng, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện giao cho các xã, thị trấn đăng ký đến năm 2020 giảm 9.935 ha diện tích đất trồng ngô, cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác, như: Nhãn, xoài, táo, cây có múi, cây công nghiệp như bông lai, mía, cà phê. Đến nay, toàn huyện đã phát triển, trồng mới 2.671 ha nhãn; trồng 835 ha xoài giống mới, như xoài Úc, Đài Loan, Thái Lan...; trồng mới 311 ha cây ăn quả có múi ở vùng có điều kiện phù hợp, như Mường Sai, Mường Cai, Huổi Một, Chiềng Khoong, Nà Nghịu, Chiềng Sơ. Trong 4 năm, đã hỗ trợ 33 HTX nông nghiệp xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch VietGAP cho quả nhãn, với diện tích là 428 ha, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng; hỗ trợ các HTX trong kết nối, quảng bá giới thiệu sản phẩm nhãn với các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, Huyện ủy Sông Mã đã chỉ đạo UBND huyện định hướng cho các xã, thị trấn phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng trang trại, gia trại, nuôi nhốt chuồng gắn với trồng cỏ, chế biến và dự trữ thức ăn cho đàn gia súc, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và xử lý môi trường. Toàn huyện hiện có gần 12.000 con trâu, trên 54.000 con bò, gần 15.000 con dê, lợn trên 87.000 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng hằng năm đạt 9.378 tấn. Huyện khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thị trấn Sông Mã và các trung tâm cụm xã, song hiện nay, vẫn chưa thu hút được tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này...
Theo đồng chí Lò Văn Sinh, Phó Bí thư huyện ủy Sông Mã, hiện toàn huyện có 1 liên hiệp HTX, 56 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các hộ gia đình đã từng bước ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế; tổng diện tích cây ăn quả đã được ghép, cải tạo đạt 4.500 ha, nhiều hộ có thu nhập từ 150 - 250 triệu đồng/ha. Một số mô hình nhãn trái vụ đã triển khai thử nghiệm với diện tích trên 10 ha, bước đầu đem lại hiệu quả, giá trị cao gấp 3, 4 lần so với quả nhãn chính vụ; đây là hướng đi mới cho phát triển. Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Chứng nhận “Nhãn hiệu chứng nhận Nhãn Sông Mã” cho quả nhãn tươi và long nhãn. Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & PTNT) đã cấp 9 mã vùng trồng xuất khẩu nhãn sang thị trường khó tính cho 8 HTX... Chương trình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục được quan tâm, phát triển cả về số lượng, quy mô và cơ cấu đàn, phát triển chăn nuôi theo mô hình tập trung gắn với phát triển trồng cỏ. Các mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị được quan tâm hỗ trợ như chuỗi bò sinh sản, chuỗi gà thịt... Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 20,5 triệu đồng/người/năm.
Trong thời gian tới, Sông Mã tiếp tục tuyên truyền, mở rộng và triển khai xây dựng các vùng sản xuất áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học để chọn, tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi đảm bảo năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất; phát triển các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thực hiện có hiệu quả liên kết 4 nhà, đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản của huyện...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!