No ấm Tiên Sơn

Về bản Tiên Sơn (xã Chiềng Khương, Sông Mã), chúng tôi cảm nhận rõ những đổi thay nơi đây, nhiều ngôi nhà kiên cố, khang trang mọc lên, thêm nhiều mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và nâng lên...

 

Đường nội bản Tiên Sơn đã được bê-tông hóa.

Một thời gian khó...

 

Ông Nguyễn Bá Khang, Bí thư chi bộ bản Tiên Sơn tiếp chúng tôi trong ngôi nhà xây hai tầng kiên cố, kiến trúc hiện đại của gia đình, vườn nhãn đang kỳ nở hoa, tỏa hương thơm man mác. Mời chúng tôi thưởng thức chén trà nóng, rồi ông kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu lên vùng quê mới, lập bản Tiên Sơn hồi thập niên 60 thế kỷ trước. Năm 1964, theo tiếng gọi của Đảng, 11 hộ dân xã Cương Chính, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) lên Sơn La xây dựng vùng kinh tế mới. Giao thông ngày ấy khó khăn lắm, không như bây giờ. Rời quốc lộ 6, 11 hộ dân vượt rừng núi, qua 21 ngầm của cùng một dòng suối Nậm Lẹ, theo đường 4G ngày nay để đến đây. Sau 13 ngày đường vất vả mới tới được xã Là (tức Chiềng Khương bây giờ). Đến nơi, các đồng chí lãnh đạo của Ủy ban hành chính huyện Sông Mã (tên gọi cũ), cùng bà con các dân tộc đã đứng đón đợi sẵn, họ hân hoan như đón người thân đi xa trở về, lo cho nơi ăn, chốn ở chu đáo, và Chiềng Khương trở thành quê hương thứ hai từ ngày ấy.  Sau khi ổn định cuộc sống, 11 hộ gia đình được cấp ủy, chính quyền huyện Sông Mã quyết định cho thành lập HTX sản xuất nông nghiệp, lấy tên là Tiên Sơn (Tiên là chữ đầu của Tiên Lữ, Sơn là Sơn La). Giọng ông Khang trầm hẳn xuống khi cho hay: 11 cặp vợ chồng ngày ấy dắt díu nhau lên đây lập nghiệp đều đã mất, giờ chỉ còn duy nhất bà Vũ Thị Đông, đã 91 tuổi, vẫn đang sống tại bản.

Giữa núi rừng trùng điệp, 11 hộ dân vốn dĩ chỉ quen sản xuất lúa nước của miền xuôi, không khỏi bỡ ngỡ với tập quán canh tác trên nương của bà con các dân tộc, nên hàng ngày phải giao lưu, tiếp xúc, dạy tiếng cho nhau để giao tiếp, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tìm hiểu bản sắc văn hóa từng dân tộc, thắt chặt tình đoàn kết cùng nhau xây dựng cuộc sống mới. Người dân các bản Híp, Là, Bó, Xôm của xã Chiềng Cang ở liền kề đã quyên góp từng cây tre, cây gỗ, gánh gianh, bó lạt… đem đến dựng nhà ở, mang cho từng nắm cơm, củ sắn, bó măng chia sẻ khó khăn. Đặc biệt, bà con nơi đây còn nhường cho từng hạt giống, cây trồng và dạy cách cách canh tác trên đất đồi, nương cho những người mới đến. Được chính quyền và nhân dân các dân tộc sở tại đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ, chúng tôi bước vào sản xuất, khai phá rừng hoang, đồi trọc thành nương lúa, nương ngô, nương sắn. Vụ năm 1965, HTX thu gần 5 tấn ngô/ha, trên 10 tấn sắn/ha, gần 3 tấn lúa nương/ha. Xã viên HTX Tiên Sơn dần tự cung, tự cấp được lương thực, thực phẩm, ổn định sản xuất và đã có một phần lương thực, thực phẩm bán cho Nhà nước. Nhưng do chiến tranh tàn phá, rồi ảnh hưởng của nền kinh tế trong thời kỳ bao cấp, nên HTX Tiên Sơn ngày ấy cũng lâm cảnh đánh trống, gõ cửa từng nhà giục đi làm, rồi chấm điểm ăn chia theo sản lượng, xã viên chỉ đủ ăn. Tới tận những năm 1990, HTX vẫn có hộ đói, nghèo, cơ sở vật chất thì thiếu thốn, cả vùng chỉ có mấy nhà lợp mái ngói, còn lại toàn nhà tranh, vách đất...

...và những đổi thay kỳ diệu 

Khi đất nước đổi mới toàn diện nền kinh tế, mô hình HTX kiểu cũ không còn phù hợp, năm 2001, HTX Tiên Sơn giải thể, thành bản Tiên Sơn như hiện giờ. Chi bộ bản có 16 đảng viên, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy xã Chiềng Khương, thực hiện những giải pháp phù hợp để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Trước hết, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng vụ đi đôi với tổ chức lại sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi; mở rộng diện tích trồng các loại cây ăn quả: nhãn ghép, nhãn lồng Hưng Yên, xoài Sông Mã và lai tạo một số loại cây ăn quả khác. Đặc biệt, với phương châm “đảng viên gương mẫu, tiên phong làm trước”, Chi bộ cử những đảng viên làm kinh tế giỏi, có uy tín đến từng gia đình vận động, hướng dẫn, chỉ bảo những kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, vật nuôi, để người dân làm theo; khuyến khích các hộ ứng dụng kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình kinh tế trang trại; thi đua xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa, thực hiện cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận, nỗ lực của người dân, diện mạo bản Tiên Sơn ngày càng khởi sắc, từ 11 hộ ban đầu đến nay đã có 175 hộ, 784 nhân khẩu; xây dựng được nhiều mô hình kinh tế mới cho thu nhập cao. Cả bản hiện có 50 ha nhãn, trên 80% là nhãn ghép, sản lượng trên 600 tấn/năm, doanh thu gần 10 tỷ đồng/năm, gần 30 hộ thu nhập từ 350 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm, tiêu biểu như hộ các ông Nguyễn Đình Trọng, Vũ Duy Chiên, Phạm Văn Nhất, Nguyễn Bá Ảnh...; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 2%. 

Không chỉ vậy, Tiên Sơn hôm nay còn có cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp...; 2.750m đường giao thông nội bản được bê-tông hóa; 100% số hộ được sử dụng điện lưới, nước sạch hợp vệ sinh, xem truyền hình quốc gia; 100% trẻ em được đến trường, Tiên Sơn hiện có 18 cháu đang theo học các trường đại học, cao đẳng và các ngành nghề khác. Bản đã có nhà văn hóa, là địa điểm sinh hoạt, giải trí cộng đồng; duy trì hoạt động của các đội văn nghệ, đội bóng đá, thường xuyên tập luyện, giao lưu, biểu diễn phục vụ nhân dân trong các ngày lễ, tết. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được bảo đảm, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và giữ vững xã Chiềng Khương đạt chuẩn nông thôn mới.

Để nắm rõ hơn các mặt đời sống của người dân trong bản, chúng tôi cùng ông Khang tới gia đình anh Vũ Duy Chiên, một trong những mô hình sản xuất tiêu biểu. Đó là ngôi nhà hai tầng, kiểu biệt thự, diện tích gần 300 m², phía trước là vườn nhãn, ao cá, không gian lý tưởng của mô hình VAC. Tiếp chúng tôi, anh Vũ Duy Chiên phấn khởi: Ngày trước, do thiếu vốn lại chưa hiểu biết về kỹ thuật chăm sóc nhãn nên hiệu quả kinh tế thấp. Được cán bộ khuyến nông huyện, xã trực tiếp hướng dẫn cách chăm sóc, lai ghép, bây giờ tôi rất yên tâm về năng suất, chất lượng nhãn. Vụ năm 2018, nhà tôi thu hoạch gần 40 tấn nhãn quả, thu lãi trên 400 triệu đồng. Nếu tính cả các nguồn thu khác cũng có thêm trăm triệu đồng. 

Chia tay Tiên Sơn, trở về huyện trên con đường bê-tông phẳng phiu, hai bên là những vườn nhãn trải rộng, nở trắng hoa như báo hiệu một mùa bội thu, chốc chốc lại bắt gặp những ngôi nhà xây kiến trúc hiện đại... chúng tôi tin Tiên Sơn còn tiến xa hơn nữa, đóng góp thiết thực cho nông thôn mới Chiềng Khương.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới