Phát huy lợi thế đất đai và nguồn nước dồi dào từ các sông, suối, những năm gần đây, xã Nà Nghịu (Sông Mã) đã tập trung vận động, hướng dẫn người dân cải tạo đất vườn, đất đồi và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để trồng cây ăn quả, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác.
Vườn cây ăn quả chất lượng cao của người dân xã Nà Nghịu (Sông Mã).
Nà Nghịu có truyền thống trồng cây ăn quả từ rất lâu, nhất là cây nhãn lồng được trồng từ những năm 1960 và cây xoài địa phương, nhưng phân tán, nhỏ lẻ, chưa trở thành hàng hóa. Nhận thấy lợi thế từ trồng cây ăn quả, năm 2010, xã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động người nông dân đầu tư cải tạo vườn tạp và chuyển đổi diện tích đất dốc trồng cây ngô, sắn năng suất thấp sang trồng cây ăn quả. Đặc biệt, năm 2018, người dân xã Nà Nghịu đã trồng trên 50 ha cây bưởi da xanh ở bản Tây Hồ và cây mít Thái bản Huổi Lìu. Tiếp đến, năm 2019, từ nguồn vốn của Chương trình 135 hỗ trợ 400 triệu đồng mua cây nhãn, xoài giống cho bản Mé Bon, Lọng Lằn, là những bản đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất, đã nâng diện tích cây ăn quả của xã từ 200 ha năm 2010 lên trên 1.200 ha cây ăn quả vào năm 2020, với các loại cây chủ yếu là nhãn ghép, xoài địa phương, xoài Đài Loan... Nhờ phát triển cây ăn quả, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 21 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 30%.
Cây ăn quả ở Nà Nghịu trồng tập trung chủ yếu tại các bản: Tây Hồ, Cánh Kiến, Hưng Mai, Tiền Phong, Mé Bon. Đây là các bản có lợi thế về đất đai, độ dốc vừa phải, nguồn nước tương đối ổn định so với các bản khác trong xã, phù hợp với việc phát triển các loại cây ăn quả. Chỉ sau khi ghép năm thứ 2, thứ 3 thì các vườn nhãn ghép, xoài ghép đã bắt đầu cho thu hoạch. Nhiều hộ có vườn cây ăn quả lên đến hàng nghìn cây, giàu lên từ cây ăn quả, điển hình như gia đình ông Trần Văn Trung, bản Hưng Mai trồng 2 ha xoài, nhãn, thu hơn 200 triệu đồng/năm; anh Đinh Công Mai, bản Cánh Kiến, thu gần 400 triệu đồng/năm từ vườn nhãn; nhiều hộ thu từ 100-150 triệu đồng/năm.
Tại bản Tây Hồ, một số mô hình trồng cây ăn quả đã giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Vườn cây ăn quả của hộ ông Dương Tự Thanh trồng trên sườn đồi có độ dốc thoải và trồng theo hàng lối giống như ruộng bậc thang, thuận tiện cho việc chăm sóc. Sau hơn 8 năm cải tạo và mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, đến nay, gia đình ông Thanh trồng trên 1,5 ha nhãn ghép, 0,6 ha xoài Đài Loan, 1 ha bưởi diễn, thu trên 400 triệu đồng/năm. Ông Thanh chia sẻ: Để có vườn cây sai quả này, năm 2012, tôi đã phá bỏ diện tích trồng ngô kém hiệu quả và mua 400 cây bưởi giống, cải tạo ghép mắt nhãn chín muộn, xoài Đài Loan. Đầu tư hàng trăm triệu đồng san ủi vườn đồi, lắp đặt hệ thống tưới chủ động, nhằm phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Không riêng gia đình tôi mà trong bản còn nhiều hộ có thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm từ cây ăn quả.
Còn gia đình ông Lường Văn Thành, bản Tiền Phong thuê 5 ha đất của các hộ dân trên địa bàn xây dựng mô hình trồng cây ăn quả vào năm 2013. Ông Thành mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư trồng nhãn, xoài. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tham khảo học tập kỹ thuật chăm sóc từ những mô hình thành công ở trên địa bàn huyện về áp dụng, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, trồng xen ngô và một số loại rau để có thêm thu nhập. Đến nay, 5 ha nhãn, xoài của gia đình đang phát triển tốt, vụ nhãn vừa qua thu hơn 400 triệu đồng từ cây ăn quả.
Việc phát triển cây ăn quả ở xã Nà Nghịu đã mở ra triển vọng tích cực trong phát triển kinh tế. Để duy trì và mở rộng diện tích, ngoài sự hỗ trợ của địa phương và các cấp, các ngành trong sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, người dân cần chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng, chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tích cực cải tạo, chọn lọc các loại giống cây ăn quả chất lượng cao; liên kết thành lập các hợp tác xã trồng cây ăn quả, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo quy trình VietGAP để đáp ứng yêu cầu thị trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!