Được sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, từ năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sông Mã triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình ghép cải tạo vườn nhãn tại các tỉnh miền núi phía Bắc” tại các xã: Chiềng Sơ, Nà Nghịu, thị trấn Sông Mã (Sông Mã). Đây là vùng quy hoạch sản xuất nhãn, có đầy đủ các điều kiện để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Kiểm tra mô hình ghép cải tạo vườn nhãn tại huyện Sông Mã.
Dự án thực hiện với quy mô: Chăm sóc 6 ha nhãn ghép năm 2017; chăm sóc 5 ha nhãn đã ghép năm 2018 và ghép mới 2 ha năm 2019. Dự án nhằm xây dựng mô hình ghép cải tạo vườn nhãn giống cũ hoặc già cỗi, hiệu quả thấp bằng các giống mới thông qua kỹ thuật ghép cải tạo trẻ hóa vườn nhãn và áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh, nhằm rải vụ, đa dạng sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, tăng thu nhập cho người trồng nhãn. Tham gia Dự án có 6 hộ nông dân, có năng lực, điều kiện đối ứng và có nguyện vọng, cam kết thực hiện mô hình theo hướng dẫn của đơn vị triển khai Dự án. Sau hơn 3 năm thực hiện đã đạt kết quả khả quan, hiện nay đang được nhân ra diện rộng.
Trong quá trình thực hiện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp tổ chức 2 lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc nhãn trong mô hình cho 65 học viên; 4 cuộc tập huấn cho 140 học viên ngoài mô hình. Nội dung tập huấn gồm: Phương pháp và kỹ thuật cắt gốc ghép; ghép đoạn cành; quy trình kỹ thuật chăm sóc mầm sau ghép, chăm sóc cây ghép năm thứ 2; sử dụng các chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh được phép sử dụng; sử dụng phân bón trong danh mục cho phép theo quy định; sử dụng phân hữu cơ được ủ hoai mục để bón cho cây nhãn... Tỷ lệ cành mắt sống đạt 96%, cây nhãn sinh trưởng phát triển tốt, đang trong giai đoạn phân cành, phát lộc đợt 3, chiều dài cành từ 90-100 cm, đường kính trung bình là 2 cm, cây khỏe, không sâu bệnh. Riêng cây nhãn ghép năm thứ 2 sinh trưởng phát triển tốt, không bị sâu bệnh hại, cành ghép khỏe, một số cây đã cho quả bói.
Đánh giá về ưu điểm của cây nhãn ghép, bà Nguyễn Thị Hảo, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sông Mã cho biết: Nhãn ghép có khả năng duy trì giống tốt. Sau khi ghép, gốc ghép tập trung dinh dưỡng nuôi mắt ghép, do vậy mắt ghép phát triển nhanh. Cây ghép mau ra quả, sản lượng cao hơn so với trồng cây bằng hạt hoặc giâm cành, vì cây ghép nhanh chóng hoàn thành diện tích tán lá cần thiết để ra quả. Hơn nữa, tại nơi ghép có tích luỹ khá nhiều các bon, tạo điều kiện thúc đẩy sự ra hoa nhanh hơn.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra thực tế và nghiệm thu đánh giá bước đầu cho thấy: Dự án góp phần đa dạng hóa sản phẩm cây trồng, tạo sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao, được người dân đón nhận và tin tưởng. Hơn nữa, việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng đúng cách, đúng liều lượng, đúng thời điểm và chỉ sử dụng các loại thuốc trong danh mục cho phép, đã góp phần cải thiện môi trường sinh thái, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Đất được bảo vệ chống xói mòn, rửa trôi. Ghép là giải pháp kỹ thuật có hệ số nhân giống cao, từ một cây mẹ giống tốt, có thể lấy được nhiều mắt ghép để tạo ra nhiều cây ghép. Đồng thời, khai thác tốt những ưu điểm của gốc ghép, điều chỉnh hình dáng của cây ghép, tăng cường khả năng thích ứng với môi trường cho cây ghép do gốc ghép có bộ rễ khoẻ, chịu được hạn, úng, lạnh, hạn chế sâu bệnh, đặc biệt là bọ xít do thời vụ ra hoa, đậu quả của nhãn ghép lệch vụ so với chính vụ.
Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục phối hợp với các huyện nhân rộng mô hình ghép cải tạo vườn nhãn tạp của các hộ nông dân, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống, từng bước thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Vân Anh (Trung tâm Khuyến nông tỉnh)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!