Hiệu quả từ xã hội hóa giáo dục ở Sông Mã

Giai đoạn 2016-2020, huyện Sông Mã đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động được nhiều nguồn lực phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Quy mô mạng lưới trường lớp không ngừng mở rộng, cơ sở, vật chất, trường lớp học được đầu tư ngày càng khang trang hơn, chất lượng giáo dục và đào tạo có chuyển biến tích cực.

 

Giờ học của thầy và trò điểm trường Huổi Khoang, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nậm Mằn (Sông Mã).

 

Sông Mã là huyện biên giới, những năm trước đây, KT-XH của huyện còn gặp nhiều khó khăn; kinh phí đầu tư xây dựng, tu sửa cơ sở, vật chất trường lớp học hằng năm chưa đáp ứng nhu cầu; trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học còn thiếu, đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục ở vùng cao, vùng sâu; diện tích của nhiều trường học chưa đáp ứng yêu cầu để xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Đồng chí Lò Văn Sinh, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, thông tin: Công tác xã hội hóa giáo dục luôn được cả hệ thống chính trị của huyện quan tâm. Để giải quyết thực trạng trên, ngày 7/7/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ra Nghị quyết số 13-NQ/HU, về lãnh đạo đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020. Huyện đã tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện đầu tư các cơ sở giáo dục ngoài công lập; phát triển mạng lưới trường lớp và trường đạt chuẩn quốc gia để thu hút sự quan tâm đầu tư của xã hội; khuyến khích tổ chức dạy ngoại ngữ, tin học, xây dựng trường PTDT bán trú vùng khó khăn, tăng số lượng học sinh bán trú; xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng để tiến tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập hoạt động hiệu quả, chất lượng; tăng cường các hoạt động huy động nguồn vốn xã hội hóa cho giáo dục...

 

Tìm hiểu được biết, trong 4 năm, từ nguồn xã hội hóa, huyện đã xây mới 65 trường học; nâng cấp, sửa chữa 353 phòng học, 185 phòng ở bán trú cho học sinh, phòng công vụ cho giáo viên, 31 bếp, 13 nhà ăn; đổ bê tông gần 38.000m² sân trường, gần 17.000m tường rào và nhiều công trình phụ trợ khác; cùng nhiều thiết bị dạy học, như: Máy tính, máy chiếu, bàn ghế, đồ dùng học tập, đồ chơi... với tổng số tiền gần 65 tỷ đồng. Huy động từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đóng góp 15 tỷ đồng cho công tác hóa giáo dục; phối hợp với các đoàn thiện nguyện tổ chức tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng phòng học lắp ghép... với tổng trị giá hơn 1,3 tỷ đồng. Hiện, toàn huyện có 58 đơn vị trường học, trong đó, có 40 trường đạt chuẩn quốc gia. Việc dạy ngoại ngữ và tin học trong các trường phổ thông tiếp tục được đẩy mạnh, đã triển khai tại 32 trường học; tại một số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, học sinh đã bước đầu làm quen với máy tính; tạo điều kiện mở 1 trung tâm ngoại ngữ tư thục.

 

Huyện có 23 trường phổ thông tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú, với 5.672 học sinh; trong đó, 9 trường PTDT bán trú, 8 trường mầm non. Đến thời điểm này, toàn huyện có 1.464 phòng học; trong đó, 852 phòng kiên cố, 445 phòng bán kiên cố, còn 116 phòng học tạm, 51 phòng học mượn. Có 36 phòng thư viện, 3 phòng thí nghiệm, 253 phòng ở nội trú, 259 phòng ở công vụ. Có 19/35 trường tiểu học, THCS có phòng máy tính phục vụ dạy học. Để tiến tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập hoạt động hiệu quả, chất lượng, toàn huyện đã tích cực triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” và Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”; tham gia các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tiếp tục củng cố, tăng cường các hoạt động, nâng cao chất lượng của 19 trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân và phát triển bền vững.

 

Phát huy vai trò trong việc tổ chức các hoạt động khuyến học và tham gia tích cực vào các hoạt động khác nhằm đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập, Hội Khuyến học huyện Sông Mã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Phòng GD-ĐT huyện tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cha mẹ học sinh, hội viên khuyến học, các tổ chức xã hội thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Trong 4 năm, Hội đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo; vinh danh cán bộ, giáo viên, học sinh; khen thưởng hơn 3.000 giáo viên, học sinh đạt giải cao trong các hội thi... với số tiền trên 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ huyện cũng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, học sinh tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, như tham gia phong trào “Giúp bạn nghèo vượt khó” quyên góp sách vở, quần áo cho các học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa với hàng nghìn bộ quần áo; vận động quyên góp tặng phòng học, thiết bị trường học, tặng quà cho các điểm trường, với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng...

 

Trong thời gian tới, huyện Sông Mã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc thực hiện nghĩa vụ học tập và đóng góp sức người, sức của để phát triển sự nghiệp giáo dục; tiếp tục tăng cường các hoạt động huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng cơ sở, vật chất phục vụ giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới