Dựa vào dân để bảo vệ và phát triển rừng

Trong những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp về xã Nậm Mằn, đi qua những cánh rừng xanh ngát, anh Lò Văn Thành, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Sông Mã, bảo: Giữ được rừng như vậy, đều nhờ vào dân cả. Trong nhiều năm qua, Nậm Mằn được đánh giá là địa phương làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng.

 

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Sông Mã cùng tổ bảo vệ rừng bản Púng Hày, xã Nậm Mằn tuần tra rừng.

 

Đến thăm bản Púng Hày đúng thời điểm dân bản đang chuẩn bị cử người đi tuần tra rừng. Trưởng bản Lường Văn Thỏa khoe: Cả bản có gần 160 ha rừng, năm vừa rồi được chi trả hơn 400 triệu đồng, gồm tiền dịch vụ môi trường rừng và khoán bảo vệ rừng đặc dụng. Từ nguồn tiền này, bản trích ra đầu tư xây dựng một số công trình, như nhà văn hóa, tu sửa đường nội bản... Có số tiền lớn như vậy đều nhờ vào công sức bảo vệ rừng của người dân. Dân bản ở đây yêu quý rừng lắm, hàng chục năm nay, rừng luôn được bảo vệ, cứ đến mùa măng hằng năm, bản cấm dân khai thác măng ồ ạt và chỉ được khai thác tỉa để tái tạo rừng. Bản còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho bà con về công tác bảo vệ rừng. Nhiều năm qua, không có tình trạng phá rừng hay vụ cháy rừng nào. Năm nào bản cũng tổ chức cho dân ký cam kết không chặt phá rừng, việc đốt nương phải giám sát chặt chẽ. Tổ bảo vệ rừng của bản có gần hai chục người, nhưng vào cuối năm, tuần nào anh em cũng tuần tra, kiểm tra, bởi đây là mùa nông nhàn nên rất có thể có người ngoài địa bàn vào khai thác gỗ.

Nói về công tác quản lý và bảo vệ rừng, anh Lò Văn Nước, Quyền Chủ tịch UBND xã Nậm Mằn, chia sẻ: Toàn xã hiện có trên 6.100 ha đất rừng và đất lâm nghiệp; trong đó, gần 5.000 ha rừng tự nhiên (gồm rừng đặc dụng và phòng hộ), 60ha rừng trồng, còn lại là đất chưa có rừng. Trong nhiều năm qua, xã luôn chú trọng công tác tuyên truyền; tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị kiểm lâm, công an xã; Ban CHQS xã...; các bản, các tổ chức, cá nhân được giao rừng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp. Tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ rừng và PCCCR khu vực giáp ranh, các vùng trọng điểm thường xuyên xảy ra cháy rừng, các tụ điểm thường xảy ra tình trạng mua, bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Thường xuyên kiểm tra việc kinh doanh chế biến lâm sản, nuôi nhốt động vật hoang dã trên địa bàn xã; tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm các thủ tục đăng ký kinh doanh chế biến lâm sản, nuôi nhốt động vật hoang dã, tạo điều kiện phát triển ngành nghề kinh doanh đúng quy định của pháp luật; quản lý, giám sát chặt chẽ việc khai thác rừng trồng và trồng lại rừng sau khai thác.

Ngoài ra, xã còn phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện vận động người dân tham gia trồng rừng, nhận khoán bảo vệ rừng để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Thực hiện tốt việc trồng rừng gắn với việc PCCCR; các chủ rừng thực hiện nghiêm túc công tác PCCCR, bố trí các công trình phòng cháy. Đồng thời, kiểm tra, rà soát tất cả các công trình phòng cháy trên địa bàn xã, tuyên truyền phòng cháy như pano, áp phích, biển cấp dự báo cháy rừng, biển cấm lửa... tu sửa kịp thời đảm bảo công tác tuyên truyền có hiệu quả. Mua sắm trang thiết bị cần thiết cấp phát cho các tổ, đội PCCCR đảm bảo sẵn sàng chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra như: dao phát, giày bảo hộ, bình phun nước, can nhựa đựng nước, bàn dập lửa, quần áo phòng cháy, loa cầm tay, đèn pin...

Anh Lò Văn Thành cho biết thêm: Tuy lực lượng kiểm lâm mỏng, nhưng những cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn luôn nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Anh em thường xuyên phối hợp với các bản tuần tra kiểm tra rừng, tuần nào cũng đi bản, cùng các tổ đội bảo vệ rừng trực tiếp tham gia kiểm tra. Người dân ở đây rất có ý thức trong việc bảo vệ rừng, vì vậy trong nhiều năm qua, xã Nậm Mằn luôn được đánh giá là địa phương làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng. Chính sự đồng thuận của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng đã luôn giữ cho rừng ở đây mãi xanh.

Với ý thức tự giác, trách nhiệm cao trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, nên Nậm Mằn đã không còn tình trạng người dân chặt, phá rừng để mở rộng diện tích sản xuất. Nhờ giữ được rừng, nguồn nước tự nhiên từ các ao, hồ, khe, suối dồi dào hơn; người dân đã tận dụng nguồn nước tự nhiên để phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời, góp phần tích cực vào việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống cho nhân dân.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới