Chiềng Khương chủ động phòng, chống thiên tai

Những năm qua, xã Chiềng Khương (Sông Mã) luôn chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai với phương châm phòng tránh là chính, chủ động khắc phục khẩn trương hậu quả, giúp người dân nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất.

Nhà dân nằm trong vùng  có nguy cơ sạt lở ở bản Chiềng Khương, xã Chiềng Khương (Sông Mã) đã được di chuyển đến nơi an toàn.

Với địa hình có nhiều đồi núi xen kẽ sông, suối, vào mùa mưa thường bị sạt lở, ngập lụt gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân. Để chủ động PCTT&TKCN, ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra bất ngờ, ngay từ đầu các năm, xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống một số loại hình thiên tai thường gặp, như: Rét đậm, rét hại, gió lốc, mưa đá, lũ lụt, sạt lở...

Ông Lưu Văn Cường, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã xảy ra nhiều đợt mưa đá, gió lốc và 3 trận mưa lớn làm tốc nhiều mái nhà và gây ngập lụt, sạt lở một số nơi với tổng giá trị thiệt hại gần 500 triệu đồng. Xã đã chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN phân công cán bộ phụ trách bản trực tiếp xuống cơ sở thống kê thiệt hại, huy động lực lượng tại chỗ giúp các hộ dân vùng thiên tai khắc phục hậu quả, nhanh chống ổn định đời sống và sản xuất.

Bên cạnh đó, để chủ động PCTT&TKCN, xã đã xây dựng các kịch bản thiên tai có thể xảy ra để có phương án phòng tránh và khắc phục hậu quả; chỉ đạo các đoàn thể phối hợp với ban quản lý các bản thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét nâng cao nhận thức trong việc phòng tránh thiên tai. Đặc biệt, đối với các bản nằm gần sông Mã và ở vùng có nguy cơ cao, như: Huổi Nhương, Búa, Híp, Chiềng Khương, Mo, Huổi Mo, Pục, Bó, Khương Tiên, Huổi Nhương và Nậm Lẹ, xã đã chỉ đạo ban quản lý các bản xây dựng phương án bảo vệ, ứng cứu kịp thời, di chuyển người dân và tài sản khi có tình huống sạt lở, ngập lụt xảy ra. Đồng thời, có phương án bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện phòng, chống thiên tai; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tổng hợp tình hình và đề xuất các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai. Tổ chức lực lượng xung kích thực hiện chế độ trực ban 24/24 giờ trong mùa mưa lũ, nhằm đối phó kịp thời, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản khi thiên tai xảy ra.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây thường xảy ra các dạng thiên tai bất thường, đặc biệt là hiện tượng gió lốc, mưa đá, lũ lụt gây thiệt hại tài sản của Nhà nước; tài sản, tính mạng của nhân dân. Vì vậy, để công tác PCTT&TKCN đạt kết quả cao, các địa phương cần tiếp tục tập trung tăng cường rà soát, bổ sung các phương án PCTT&TKCN tại chỗ để kịp thời ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác, chủ động ứng phó của người dân  khi xảy ra mưa to, lũ lụt.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới