Cách trung tâm huyện khoảng 50 km, Chiềng En (Sông Mã) có diện tích tự nhiên hơn 6.600 ha, với 17 bản của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Sinh Mun sinh sống. Dù còn nhiều gian khó do sản xuất chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nhưng bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc xã Chiềng En đang vươn lên, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Người dân xã Chiềng En (Sông Mã) phát triển chăn nuôi gia súc.
Dù đã được thông báo trước, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi e ngại trước những đoạn đường lầy lội, đầy ổ “trâu”, ổ “voi” nối tiếp và những vệt bánh xe tải hằn sâu để lại những vũng bùn lầy lội. Đi mãi rồi cũng đến, chúng tôi tới được trung tâm xã Chiềng En. Như đã hẹn, Bí thư Đảng ủy Hà Văn Thuông ra tận cổng trụ sở đón. Nhìn quần áo, đồ đặc, xe pháo của chúng tôi, anh phân trần: Nhà báo thấy vất vả không? Con đường này đáng nhẽ phải xong lâu rồi đấy, nhưng chẳng hiểu sao 2 năm rồi mà nhà thầu vẫn chưa thi công xong, dù chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ cát, đá, sỏi tập kết hai bên đường. Qua lời anh nói, đủ hiểu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Chiềng En đã nỗ lực và mong mỏi đoạn đường hơn 4 km này sớm hoàn thành, để nhân dân trong xã đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, không còn cảnh nông sản làm ra không tiêu thụ được lại bị tư thương ép giá chỉ vì đoạn đường hơn 4 km này.
Tại phòng làm việc của Bí thư, anh cho biết thêm về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của nhân dân và nhiều lĩnh vực khác. Theo anh Thuông, để tập trung phát triển kinh tế, thực hiện giảm nghèo bền vững, Đảng bộ xã đã ra Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển kinh tế hộ gia đình. Chiềng En cũng đã thành lập Ban chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo, tập trung tuyên truyền định hướng phát triển kinh tế tới nhân dân; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, phổ biến kinh nghiệm đưa giống mới vào sản xuất; tăng cường đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất; vận động bà con cải tạo vườn đồi, chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng nhãn ghép, xoài lai, trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò...
Theo thống kê, Chiềng En đang thâm canh 118 ha lúa mùa, gần 92 ha lúa chiêm xuân, 50 ha lúa nương, gần 30 ha sắn, hơn 1.400 ha ngô, sản lượng lương thực có hạt hàng năm khoảng 7.000 tấn; nuôi hơn 11.000 con gia súc, gần 30.000 con gia cầm các loại; chăm sóc 490 ha cây ăn quả, trồng 20 ha cỏ voi, bảo vệ tốt trên 2.300 ha rừng tự nhiên, rừng tái sinh và rừng trồng, đưa tỷ lệ che phủ rừng lên gần 40%. Cả 17 bản của xã đều xây dựng được công trình cấp nước sinh hoạt, 17/17 bản được sử dụng điện lưới quốc gia; 60% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 98% dân số được xem truyền hình; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được đến trường đạt 100%; 17/17 bản có đội văn nghệ, đội bóng chuyền, bóng đá; thu nhập bình quân gần 15 triệu đồng/người/năm... Để “thực mục, sở thị”, sau thời gian nghỉ ngơi, chúng tôi tiếp tục cùng cán bộ xã ngược dốc tới bản Co Tòng, con đường liên bản dài khoảng 13 km đầy đất đá ngổn ngang, những rãnh nước xẻ ngang, dọc băm nát con đường. Ấy vậy mà khi đặt chân lên địa phận bản Co Tòng, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng trước những mái nhà sàn san sát màu ngói mới, những ngôi nhà tầng kiên cố, những rừng lát xanh và từng đồi cây ăn quả xanh tốt. Thấy rõ sự hứng khởi của mọi người trong đoàn, anh cán bộ xã khoe: Người dân bản Co Tòng chịu khó làm ăn lắm, ngoài trồng lúa 2 vụ, bà con còn tích cực trồng cỏ nuôi trâu, bò nhốt chuồng, ở đây nhà nào ít cũng có 3-5 con, nhà nhiều thì vài chục con, cả bản có khoảng 450 con trâu, bò và vài nghìn con gia cầm. Tới gia đình ông Lò Văn Thoản, hộ chăn nuôi nhiều trâu bò nhất, dưới gầm nhà sàn có tới 3, 4 chiếc xe máy, trên nhà đầy đủ tiện nghi từ ti vi, tủ lạnh đến các đồ dùng thiết yếu, được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ, làm cho ngôi nhà sàn gỗ 150 m2 sang trọng, như rộng hơn. Vừa uống nước, ông vừa kể: Thấy đất đai ở đây màu mỡ, có nguồn nước thuận lợi cho việc trồng trọt lại được cán bộ xã, huyện tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật trồng cỏ, cách chăm sóc nuôi bò nhốt chuồng nên nhà tôi đã mạnh dạn đầu tư mua con giống, làm chuồng trại, tận dụng những diện tích đất ven đồi để trồng cỏ, nuôi bò nhốt chuồng vừa tiện chăm sóc trâu, bò, lại không bị dịch bệnh. Nhà tôi đang nuôi 21 con bò, 30 con dê, trừ chi phí, mỗi năm thu lãi từ 80 đến 100 triệu đồng tiền bán dê, bê con và bò thịt. Nhà cửa, xe máy và đồ dùng trong nhà, rồi nuôi các con ăn học đều xuất phát từ nguồn thu của chăn nuôi.
Rời Chiềng En, mới thấy cách nghĩ, cách làm năng động của người dân vùng đất xa xôi hẻo lánh đầy khó khăn, vất vả này, giúp họ từng bước giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Chắc chắn một ngày không xa nữa, bằng sự hỗ trợ của Nhà nước, của các cấp chính quyền, Chiềng En sẽ vượt lên gian khó, tiếp tục xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng thành công nông thôn mới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!