Tuổi trẻ Mường Sại lập thân, lập nghiệp

Thời gian qua, Đoàn xã Mường Sại (Quỳnh Nhai) đã triển khai sâu rộng phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, giúp đoàn viên thanh niên (ĐVTN) nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã.

 

ĐVTN bản Coi, xã Mường Sại (Quỳnh Nhai) phát triển chăn nuôi đại gia súc.

                 

Đoàn xã Mường Sại hiện có 8 chi đoàn bản và 2 chi đoàn khối trường học, với 354 đoàn viên. Để giúp ĐVTN phát triển kinh tế, hằng năm, Đoàn xã đã tuyên truyền, vận động ĐVTN khai thác lợi thế ở địa phương xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp. Trong đó, các chi đoàn bản vùng thấp phát triển nuôi cá lồng và đánh bắt thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La; các chi đoàn bản vùng cao trồng cây cà phê, xoài trên diện tích đất nương, kết hợp trồng cỏ, chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng... Đoàn xã đã phối hợp với cán bộ khuyến nông xã, huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho ĐVTN. Khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề, hướng nghiệp và việc làm của thanh niên để có hướng giúp đỡ hiệu quả... Hiện, Đoàn xã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 5,6 tỷ đồng cho 156 gia đình ĐVTN vay phát triển sản xuất. Nhờ vậy, đã có nhiều mô hình kinh tế của ĐVTN đạt hiệu quả, như: Mô hình nuôi cá lồng, trồng cây mắc ca của đoàn viên Cà Văn Minh, Chi đoàn bản Búa Bon; mô hình kinh tế tổng hợp của đoàn viên Nguyễn Thị Hồng, Chi đoàn bản Coi; mô hình kinh doanh dịch vụ vận tải của đoàn viên Lò Văn Chung, Chi đoàn bản Nhả Sày...

                 

Là một trong những đoàn viên tiêu biểu của Đoàn xã Mường Sại trong phát triển kinh tế, mô hình nuôi cá lồng kết hợp trồng cây mắc ca của đoàn viên Cà Văn Minh, Chi đoàn bản Búa Bon đạt hiệu quả kinh tế cao. Được biết, từ lợi thế diện tích lòng hồ và được Nhà nước hỗ trợ, năm 2013, anh Minh nuôi 4 lồng cá, đến nay, gia đình anh có 7 lồng cá, sản lượng bình quân đạt 2 tấn cá/năm, chủ yếu là các loại cá: Trắm, chép, lăng, rô phi... Nhận thấy lượng khai thác thủy sản trên địa bàn xã và các khu vực lân cận lớn, anh đã thu mua của người dân và bán cho thương lái khu vực khác trong tỉnh. Trừ chi phí, mỗi năm tổng thu nhập của gia đình anh từ nuôi cá lồng và kinh doanh thủy sản đạt hơn 130 triệu đồng. Anh Minh cho biết: Qua đọc báo, tôi nhận thấy cây mắc ca ở tỉnh Điện Biên mang lại hiệu quả kinh tế, nên năm 2015, tôi đã mua giống về trồng trên 1,1 ha đất đồi của gia đình, hiện cây mắc ca đang phát triển tốt. Bên cạnh đó, anh Minh đã vận động một số đoàn viên trong bản thành lập HTX thủy sản - thủy cầm bản Búa Bon, với vai trò là Giám đốc HTX, anh thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lồng cho các thành viên HTX và tìm đầu ra cho sản phẩm.

                 

Còn đoàn viên Nguyễn Thị Hồng, Chi đoàn bản Coi lại phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, hằng năm gia đình chị canh tác hơn 4 ha sắn, nuôi 3 con bò, 4 con dê, kết hợp bán hàng tạp hóa. Đồng thời, đầu tư cải tạo 0,5 ha đất bạc màu trồng xoài, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, nên diện tích xoài phát triển tốt, năm nay sẽ cho thu hoạch quả bói. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm gia đình chị thu nhập trên 100 triệu đồng.

                 

Thời gian tới, Đoàn xã Mường Sại tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”; tổ chức cho ĐVTN tham quan, học tập những mô hình làm kinh tế hiệu quả trên địa bàn huyện, qua đó nhân rộng trên địa bàn xã. Trong quá trình đó, chú trọng tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên vay vốn học nghề, lập nghiệp, góp phần xây dựng quê hương Mường Sại phát triển.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới